Tiếp tục cảnh báo về an toàn thực phẩm học đường
Cảnh bảo thực phẩm nơi cổng trường
Chưa đầy 1 tháng đầu năm nay, trên địa bàn TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra 3 vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm, khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Đáng tiếc, trong đó có 1 học sinh Trường tiểu học Vĩnh Trường không may tử vong, chưa rõ nguyên nhân. Trước đó, các học sinh này có ăn sáng với nhiều món như: Cơm gà, cơm gà xé, sushi... tại một số hàng quán ngoài trường học và của người bán hàng rong.
Trước đó, 28 học sinh Trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cũng phải nhập viện sau khi ăn kẹo mua gần cổng trường. Ăn kẹo xong, các em có chung triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi nên phải nhập viện theo dõi sức khỏe.
Tại Quảng Trị cũng vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 23 học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, khó thở đã được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám.
Cảnh báo về an toàn thực phẩm học đường |
Đáng tiếc, những ví dụ nêu trên là rất ít trong số vụ ngộ độc học đường đã xảy ra. Theo các chuyên gia, việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra triệu chứng cấp tính tức thời như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…
Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Đặc biệt, những chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong thực phẩm không nguồn gốc sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây bệnh ung thư.
Tác hại khôn lường nhưng nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn tại cơ sở giáo dục, nhất là an toàn thực phẩm đối với các quán hàng ăn vặt lưu động trước cổng trường học. Tại hầu hết cổng các trường đều có những hàng, quán, bán đủ món ăn vặt cho học sinh, như bánh, kẹo, chả xiên, thịt bò chua cay, ngô cay, xoài nộm, kẹo vitamin C, chân gà cay, kẹo 7 màu, trứng khủng long, thạch đủ sắc màu... giá cả hấp dẫn, chỉ từ 5 nghìn đồng là các em có thể mua cho mình một món ăn yêu thích.
Qua quan sát của phóng viên, trong số đó có không ít thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì, nhãn mác… được bày bán. Kể cả những nguyên liệu bày bán kia là sạch, vận chuyển bảo đảm… nhưng với quá trình chế biến, lưu trữ thức ăn không bảo đảm thì vẫn có nguy cơ cao phát sinh vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.
Giáo dục nâng cao ý thức là điều quan trọng nhất
Trước tình hình này, nhiều địa phương đã nghiêm cấm các hộ kinh doanh bán hàng rong, quà vặt cho học sinh. Trong văn bản đưa ra nêu rõ, nếu các hộ kinh doanh bán hàng rong, quà vặt cho học sinh cố tình vi phạm đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa kinh doanh không có nguồn gốc rõ ràng, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.
Tại nhiều trường học đã đóng cổng trong giờ giải lao và xây dựng căng tin nhà trường để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh. Đồng thời thực hiện quy định đưa nội dung học sinh ăn quà vặt trước cổng trường vào tiêu chí thi đua của lớp trong đánh giá kết quả định kỳ.
Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cùng tuyên truyền tới phụ huynh về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đề nghị phụ huynh phối hợp, quản lý tiền tiêu vặt của các em... Tuy nhiên, do nhiều món ăn vặt trong căng tin không có nên các em thường đợi đến lúc tan học ra mua, đến nay, hiện tượng này chưa chấm dứt.
Từ vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn thực phẩm, học sinh và cha mẹ học sinh cần thận trọng trong việc mua thức ăn, nước uống cho con em, không mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, không lấy thức ăn, nước uống từ người lạ đến cho; nêu cao tinh thần trách nhiệm để chủ động phát hiện các cơ sở mua bán xung quanh khu vực cổng trường kinh doanh sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc và báo ngay chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kịp thời xử lý những hàng quán không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là hàng quán bày bán ở khu vực xung quanh trường học.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm soát và giải quyết hiệu quả của chính quyền địa phương; hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của nhà trường, cơ quan chức năng thì các phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn vặt không bảo đảm vệ sinh tại khu vực cổng trường học với con em mình; giúp trẻ hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, biết nói không với thực phẩm không an toàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Trần Xuân Tiền - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho biết, việc tập trung buôn bán hàng rong, đồ ăn vặt ngay trước cổng trường không chỉ gây mất mỹ quan trường học mà còn là nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ. Vậy nên chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh, buôn bán hàng ăn phải chấp hành đúng quy định pháp luật; không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, chính quyền cũng cần phối hợp với nhà trường động viên, giáo dục học sinh biết cách chọn thức ăn hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện hộ nào vi phạm lấn chiếm lòng lề đường sẽ tiến hành nhắc nhở, nếu không khắc phục kiên quyết xử lý vi phạm...
Khoản 1, Điều 12, Nghị 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức có hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, khoản 2; điểm b, khoản 5; điểm e, khoản 6, Điều 12. Trong trường hợp hoạt động bán hàng rong gây mất trật tự công cộng còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng. |