Tiền Giang: Tăng kết nối, tạo việc làm cho người lao động
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên đã cắt giảm đơn hàng. Từ cuối năm 2022 đến nay đã có trên 28.000 lao động bị ảnh hưởng (trên 3.200 lao động mất việc, trên 4.700 lao động phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, trên 19.000 lao động phải giảm, giãn giờ làm, dẫn đến giảm thu nhập (chủ yếu là ngành may mặc, giày da, thủy sản), cùng với đó là nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở tỉnh khác mất việc làm quay về tỉnh; số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay khoảng 13.000 người.
Phiên giao dịch việc làm kết nối doanh nghiệp với người lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang tổ chức. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang |
Vì vậy, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang đã sớm vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đơn vị này đã đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm nhằm kết nối, giới thiệu việc làm từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động ở các huyện để tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng; tăng cường kết nối với những trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu các doanh nghiệp và người lao động tham dự để tuyển dụng và tìm kiếm việc làm.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang cũng đã nhanh nhạy thu thập thông tin của các doanh nghiệp đang tuyển lao động và thông tin lên website của đơn vị và các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để lao động mất việc nhanh chóng kiếm được công việc mới, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, trung tâm ịch vụ việc làm tỉnh cũng mời gọi các doanh nghiệp đang thiếu lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm.
Đáng chú ý, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang còn mở nhiều khóa đào tạo nghề cho hàng trăm người lao động, trong đó có những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp họ chủ động hơn trong việc nâng cao kỹ năng cho bản thân để sớm tìm được việc làm mới. Ngoài ra, trung tâm này luôn quan tâm đến công tác tư vấn nghề - tư vấn việc làm cho người lao, đặc biệt là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều hoạt động giao dịch việc làm. Như phiên giao dịch việc làm hỗ trợ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại cơ sở 2, chi nhánh Cai Lậy và chi nhánh Gò Công; phiên giao dịch việc làm định kỳ; hai phiên giao dịch việc làm lưu động....
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với Phòng Lao động việc làm, Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang tổ chức 4 Ngày hội Việc làm tại các trường cao đẳng trên địa bàn, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.300 vị trí việc làm với các ngành nghề như: chuyền trưởng, tổ trưởng, kỹ thuật xưởng, kế toán, kỹ thuật điện – cơ khí, kỹ thuật sửa xe máy,…
Nhờ đó, ngay trong 6 tháng năm 2023 đã giải quyết việc làm cho hơn 7.500/16.000 lao động (đạt khoảng 47% so với kế hoạch năm), trong đó từ hoạt động cho vay giải quyết việc làm trên 2.600 người; đã tổ chức 25 phiên giao dịch, ngày hội việc làm ở tỉnh và các huyện, thành, thị, thu hút trên 4.500 người lao động, học sinh, sinh viên và các đoàn thể, hội viên, đoàn viên tham gia; có trên 1.200 người được tuyển dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự chênh lệch giữa cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn diễn ra với khoảng cách khá lớn. Đó là nhu cầu tuyển dụng phần lớn là lao động phổ thông, trong khi nguồn lao động phổ thông ngày càng khan hiếm, còn lao động có chuyên môn có nhu cầu tìm việc nhiều nhưng nhu cầu tuyển dụng ít. Mặt khác, đa số người lao động có tâm lý ngại làm việc tại các công ty mang tính chất gò bó, cạnh tranh năng suất, mức phạt trên tiền lương, nội quy khác nhau...
Bà Nguyễn Thị Dân Quyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện “bài toán” lao động phổ thông cho các doanh nghiệp là một trong những khó khăn, thách thức đối với đơn vị. Do vậy, với việc có cơ sở dữ liệu của những người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị sẽ lọc ra từng người có trình độ chuyên môn gì, nhu cầu làm công việc nào, ở đâu. Từ đó, sẽ liên hệ với người lao động qua email, Zalo, điện thoại để kết nối cung cầu lao động. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động thất nghiệp và doanh nghiệp tuyển dụng.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động mất việc trong công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn nghề - việc làm cho người lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm vào ngày 20 hàng tháng; tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; tổ chức hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm dành cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp…
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thu thập thông tin từ các doanh nghiệp tại các khu - cụm công nghiệp trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Qua đó kết nối việc làm cho người lao động, đặc biệt là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để họ sớm ổn định cuộc sống”- bà Quyền thông tin.