Người nuôi cá tra lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi giá cá tuột giảm mạnh
CôngThương - Cá tra giống bí "đầu ra"...
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hàng năm, các cơ sở ương cá giống tại Tiền Giang cung cấp cho thị trường khoảng 125 triệu con cá tra giống, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong tỉnh và xuất bán ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu xuống quá thấp, người nuôi “neo cá” chờ giá hoặc tạm ngưng thả giống làm ảnh hưởng đến "đầu ra" cá tra giống. Bên cạnh đó, diện tích ương cá tra tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nên các vùng ương giống còn tồn đọng lượng cá tra giống khá nhiều, giá cá tra giống cũng vì vậy mà rớt mạnh.
Tính từ đầu năm đến nay, giá cá tra giống đã giảm phân nửa, nếu đầu năm khoảng 1.000-1.700 đồng/con thì hiện chỉ ở mức 600-700 đồng/con. Với giá này người ương giống từ huề vốn đến lỗ, do chi phí đầu tư để tạo ra 1 kg cá tra giống cũng trên 20.000 đồng/kg. Vì thế, nhiều hộ ương cá tra giống đã tạm ngưng thả cá tra bột, một số chuyển sang ương giống khác hoặc bỏ trống.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 1 trại sản xuất giống cá tra của Trung tâm giống Nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, trại này đã sản xuất trên 270 triệu con bột cung cấp khoảng 20% cho các hộ ương giống cá tra trong tỉnh. Hiện tại, trại giống này đang chăm sóc 3.000 con cá tra bố mẹ hậu bị được chuyển giao từ Viện Nuôi trồng thủy sản II, đây là nguồn cá tra bố mẹ được chọn lọc di truyền giúp nâng cao chất lượng cá tra giống cung cấp cho thị trường trong thời gian tới.
... nuôi cá thịt cũng khó khăn
Theo kết quả khảo sát, từ đầu năm đến nay người nuôi cá tra đã thả giống mới trên diện tích 70 ha với 37,8 triệu giống (tăng 13,67 ha so với cùng kỳ năm ngoái). Tại thời điểm này, toàn tỉnh có 89,15 ha cá tra đang thả nuôi và phát triển tốt (chiếm 70% diện tích) do có phần diện tích thả giống trong năm 2011 đến nay chưa thu hoạch.
Đến nay, bà con nuôi cá tra đã thu hoạch được 19.198 tấn cá tra (62,95 ha), tăng 4.276 tấn so với năm ngoái. Giá bán cá dao động trong khoảng 18.000- 27.000đ/kg, đa phần giá cá tra nằm ở mức 22.000- 25.000 đồng/kg, so với chi phí sản xuất khoảng 22.000- 23.000 đồng/kg thì người nuôi hòa vốn hoặc lời ít. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay giá bán sụt giảm chỉ còn 18.000- 19.000 đồng/kg nên nông dân bán cá trong giai đoạn này bị lỗ nặng (1,2-1,5 tỷ đồng/ha).
Nghề nuôi cá tra sẽ sớm ổn định
Theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình nuôi cá tra những tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn. Các hộ nuôi cá tra chưa mạnh dạn trong việc đầu tư tái sản xuất do giá cả thị trường không ổn định, người nuôi lại khó tiếp cận nguồn vốn vay để nuôi cá tra. Hiện nay, diện tích chưa thả nuôi hoặc chuyển qua nuôi đối tượng khác chiếm đến 30%, chủ yếu nằm trong nhóm hộ nuôi cá tra độc lập. Hoạt động nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp, chưa hình thành vùng sản xuất giống tập trung và có thương hiệu để cung cấp cho các cơ sở nuôi theo tiêu chuẩn GAP.
Bên cạnh đó, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt ảnh hưởng đến sức khoẻ cá nuôi. Việc lạm dụng thuốc thú y thủy sản trong công tác phòng và trị bệnh cho cá cũng là nguyên nhân gây ra việc các loại vi khuẩn gây bệnh trên cá kháng lại các loại kháng sinh, gây khó khăn trong việc trị bệnh và cá nuôi chậm lớn, dẫn đến tăng chi phí sản xuất. Hơn nữa, giá cá tra đang rớt mạnh.
Nhưng, trước sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cùng với những giải pháp cứu ngành cá tra được đưa ra, đặc biệt là đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về gói tín dụng 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, ông Phan Hữu Hội – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang- lạc quan: “Nghề nuôi cá tra sẽ sớm ổn định trở lại trong thời gian tới”.