Tiền Giang: Hút vốn đối ứng lớn
Doanh nghiệp hưởng ứng
Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật là một trong những nội dung trọng tâm triển khai của khuyến công Tiền Giang giai đoạn vừa qua. Đây cũng là nội dung được dành nguồn vốn lớn thực hiện. Cụ thể, từ năm 2014 - 2020, khuyến công Tiền Giang đã dành trên 3,044 tỷ đồng cho thực hiện 17 đề án thuộc nội dung này. Các đề án chủ yếu tập trung vào ngành nghề thế mạnh: Cơ khí, chế biến lương thực, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng...
Vốn khuyến công giúp doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất |
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Tiền Giang, các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghiệp và tiến bộ khoa học - kỹ thuật hoàn thành đã tác động trực tiếp đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp (DN). Từ đó, giúp nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm…
Sự hưởng ứng mạnh mẽ của DN CNNT với công tác khuyến công không chỉ xuất phát từ hoạt động tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả nhìn thấy qua thực tế mà còn bởi sự nhanh nhạy của tỉnh trong xây dựng chính sách khuyến khích. Cụ thể, Tiền Giang đã ban hành Chương trình hỗ trợ đặc thù đầu tư (có thu hồi, lãi suất 0%/năm) và hỗ trợ sau đầu tư (không thu hồi) cho DN, cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư mở rộng, đầu tư mới máy móc, thiết bị công nghệ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh. Từ nguồn vốn này, giai đoạn vừa qua, khuyến công Tiền Giang đã hỗ trợ đầu tư cho 6 dự án với tổng kinh phí 6,509 tỷ đồng, hỗ trợ sau đầu tư cho 2 dự án, kinh phí 144,8 triệu đồng.
Gia tăng hiệu quả nguồn vốn
Có thể thấy, khuyến công Tiền Giang đã phát huy tốt hiệu quả vốn mồi khi kinh phí hỗ trợ chỉ chiếm 12,51% trong tổng kinh phí thực hiện các đề án. Tuy vậy, theo đại diện Sở Công Thương Tiền Giang, số lượng đề án, dự án được hỗ trợ chưa nhiều do DN còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, năng lực cạnh tranh của sản phẩm CNNT còn thấp nên DN ngại đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô.
Để tiếp tục đồng hành cùng DN trong phát triển sản xuất, kinh doanh; gia tăng sức hút cho nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Tiền Giang đã xây dựng và ban hành nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp về nguồn lực được đặc biệt chú trọng. Theo đó, tỉnh huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp và dịch vụ khuyến công; khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; thực hiện lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình mục tiêu khác để khuyến khích thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
Trong giai đoạn tới, khuyến công Tiền Giang tiếp tục ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho 50 lượt cơ sở CNNT; đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 600 lao động; tổ chức 2 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, tỉnh; hỗ trợ cho 100 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nươc; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm CNNT.
Bên cạnh nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, khuyến công Tiền Giang đã đào tạo nghề cho 403 lao động nông thôn, tổ chức bình chọn và hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, đào tạo nâng cao năng lực cho DN, cơ sở CNNT. |