Thương mại điện tử - 'cầu nối' đưa mắm ruốc Ba Buôi đến mọi nhà
Mắm ruốc "lên hương" nhờ OCOP
Mang theo nghề truyền thống của gia đình từ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đến xã Nhơn Thạnh Trung (TP. Tân An, tỉnh Long An), chị Huỳnh Tuyết Mai lập nghiệp và mở cơ sở sản xuất các loại mắm ruốc.
Chị Mai chia sẻ, nguyên liệu làm mắm ruốc từ những con tôm, tép tươi ngon ở vùng biển Cần Giờ, phơi dưới ánh nắng mặt trời tự nhiên để đảm bảo giữ nguyên hương vị và dưỡng chất. Sau khi được xử lý sạch được tẩm ướp các loại gia vị như rượu, tỏi, ớt, muối…
Để nâng tầm sản phẩm của cơ sở sản xuất, chị đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận 3 sao với sản phẩm Mắm ruốc xào Ba Buôi vào tháng 9/2022.
Sản phẩm mắm ruốc xào Ba Buôi của chị Huỳnh Tuyết Mai đã được chứng nhận OCOP 3 sao - Ảnh: Phương Đài |
Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ một phần từ Sở Công Thương tỉnh Long An, chị đã đầu tư 500 triệu đồng mua các thiết bị máy móc để sản xuất mắm ruốc. Qua đó giúp cơ sở cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, dây chuyền chiết rót, đóng gói tự động với công suất 175 - 200 kg/giờ giúp công suất tăng lên gấp 5 lần so với sản xuất thủ công. Có thể cân chỉnh được lượng chiết có trong mỗi hũ chứa và không hao hụt sau mỗi lần chiết rót. Khâu xiết nắp và dán màng seal đồng đều, giữ được sản phẩm lâu dài, an toàn sản phẩm và tăng tính thẩm mỹ.
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Mai không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư bao bì, nhãn mác đẹp hơn, bắt mắt người tiêu dùng... nhờ đó mắm ruốc Ba Buôi trở thành gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình.
Sản xuất, kinh doanh mang lại lợi nhuận, chị Mai đã tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Nỗ lực chinh phục thị trường online
Trong thời đại số, thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người tiêu dùng. Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến cùng sự gia tăng của các hoạt động mua sắm trực tuyến tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khách hàng trong kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp, tham gia các hoạt động hội chợ, hội thảo, sự kiện thương mại... cơ sở mắm ruốc Ba Buôi đã phát triển thêm kênh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử nhằm tăng tiếp cận khách hàng, giúp sản phẩm bán chạy hơn.
"Qua những buổi tuyên truyền, lớp tập huấn ở địa phương nên ngoài kênh bán hàng truyền thống, chúng tôi còn phát triển bán hàng thương mại điện tử. Một trong những kênh bán hàng online được cơ sở lựa chọn là Sàn Việt (sanviet.vn)", chị Mai chia sẻ.
Theo chủ cơ sở mắm ruốc Ba Buôi, Sàn Việt mang đến cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng trên cả nước với rất nhiều sự hỗ trợ từ quá trình đưa sản phẩm lên sàn, tiếp thị sản phẩm, trao đổi và mua bán, vận chuyển, thanh toán…
Với giao diện thân thiện, tích hợp nhiều phương thức thanh toán hiện đại, người mua dễ dàng tiếp cận và đặt hàng sản phẩm chỉ qua vài thao tác. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ dành cho nhà bán hàng và người tiêu dùng với sự cam kết, hậu thuẫn từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giúp cả người mua và người bán hoàn toàn yên tâm khi giao dịch thông qua Sàn Việt và các trang tích hợp của các địa phương.
Sàn thương mại điện tử Long An - Ảnh chụp màn hình |
Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, với mục tiêu giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh có thêm cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử.
Đáng chú ý, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021-2025 để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, UBND tỉnh đề ra các giải pháp thiết thực để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp mở cửa hàng trên sàn thương mại điện tử.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành, hiện có hơn 151.300 hộ gia đình được hướng dẫn kết nối và mua bán trên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế số tại địa phương
Theo bà Lệ, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử duy trì phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh; đồng thời, triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Long An kết nối với Sàn Việt - sàn thương mại hợp nhất của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Long An cũng lưu ý, song song với việc đẩy mạnh thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương cũng cần tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa; tích cực phối hợp ngành chức năng và các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ tập huấn, đào tạo về quy trình, cách thức đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, nhằm đáp ứng tiêu chí của các sàn và người tiêu dùng.