Thực tế việc san lấp tạo cảnh quan tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Ngày 19/9/2024, mục Hộp thư bạn đọc, Báo Công Thương đăng tải ý kiến bạn đọc phản ánh việc trong quá trình triển khai xây dựng một số công trình trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị thi công đã không sử dụng đất, cát sỏi để san lấp mặt bằng dự án. Thay vào đó đơn vị thi công đã sử dụng phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với môi trường và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Ngay sau phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ và có buổi làm việc với đại diện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về nội dung trên.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Lê Vũ Quân, Trưởng ban Quản lý cơ sở vật chất Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hình ảnh mà bạn đọc cung cấp có thể là từ các công trình trước, hiện nay trong học viện không có tình trạng này. Trong quá trình triển khai dự án, phía Học viện đã cho phép nhà thầu thi công đổ trạc xây dựng để làm đường công vụ phục vụ cho quá trình vận chuyển vật liệu. Sau khi hoàn tất dự án, đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm vận chuyển những vật liệu không được phép sử dụng để san lấp ra khỏi khuôn viên nhà trường. Về khối lượng cụ thể trạc xây dựng mà Học viện cho phép đơn vị thi đổ để làm đường công vụ, nhà trường chưa nắm được. Nhà trường sẽ cung cấp số liệu sau...
Thời điểm phóng viên có mặt ngày 25/9, việc đổ đất san lấp vẫn đang diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Thanh Minh) |
Cũng theo ông Lê Vũ Quân, loại đất mà các nhà thầu đang sử dụng để san lấp mặt bằng được phân loại là đất cấp III theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, có thể được lẫn 30% các thành phần như gạch, đá, rễ cây. Về nguồn gốc đất sử dụng để san lấp có một phần đất ở Bắc Giang, một phần đất trong dự án của một đơn vị khác. Tổng khối lượng san lấp đất tạo cảnh quan trong khuôn viên nhà trường khoảng 50 vạn khối, kinh phí thực hiện việc san lấp khoảng 7 tỷ, dự kiến trong tháng 10 sẽ hoàn thành việc san lấp.