Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn
Chợ Tết online cho người lao động
Với mục tiêu “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, lâu nay những phiên chợ “Tết công đoàn’’ được tổ chức thường niên, không còn xa lạ với đoàn viên, người lao động mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Chương trình “Chợ tết Công đoàn năm 2024” qua sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ diễn ra từ ngày 15/1 - 7/2/2024 |
Nhằm tạo nét mới, giúp đoàn viên, người lao động hiểu thêm về kênh mua sắm tiện tích; tiêu dùng thông thái hơn trong lựa chọn hàng hóa, mẫu mã, yên tâm về giá… Chương trình “Chợ tết Công đoàn năm 2024” sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức qua sàn giao dịch thương mại điện tử, từ 0 giờ ngày 15/1 đến 24 giờ ngày 7/2/2024.
Chương trình được tổ chức trực tuyến toàn quốc thông qua sàn thương mại điện tử, nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đảm bảo chất lượng với giá ưu đãi, phục vụ nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Dự kiến, có khoảng 4.000 đoàn viên, người lao động được tham gia mua hàng hoặc sản phẩm tiêu dùng từ chương trình này.
Đánh giá của giới chuyên gia, chợ Tết Công đoàn trên sàn thương mại điện tử không đơn thuần là sự tiện lợi mà qua đây người lao động được tiếp cận lượng hàng hóa Việt Nam chất lượng cao. Chương trình là bước đi đầu tiên của quá trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn - 1 trong 5 chương trình, nghị quyết chuyên đề được Công đoàn Việt Nam đề ra tại Đại hội Công đoàn lần thứ XIII.
Hưởng ứng hoạt động này, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, đang nỗ lực triển khai Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" qua sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động mua hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả ưu đãi.
Với 4.000 suất hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã phân bổ số lượng cụ thể; đề nghị các đơn vị rà soát, lựa chọn, lập danh sách đúng đối tượng đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, hoạt động công đoàn để tham gia chương trình kịp thời, hiệu quả.
Tất cả đoàn viên – người lao động đều có Tết
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, chủ đề năm nay sẽ là "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, việc làm. Tiền lương, thu nhập của đoàn viên, người lao động có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mức sống tối thiểu. Do đó, Công đoàn cùng Chính phủ, các ban, bộ ngành, đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp tiếp tục cùng chung sức, đồng hành quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Ngoài chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024” được tổ chức trực tuyến toàn quốc, Tổng Liên đoàn Lao động còn phối hợp với các đơn vị tổ chức 3 chương trình "Chợ Tết Công đoàn" dưới hình thức trực tiếp, tại 3 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc, Trung, Nam (kết hợp tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại 3 điểm Chợ Tết).
Qua đó cung cấp các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, chất lượng với giá ưu đãi, tặng phiếu mua hàng, tặng sản phẩm với giá “0 đồng”. Đồng thời tổ chức hoạt động vui Xuân, đón Tết, tư vấn, tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí cho đoàn viên, người lao động.
Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức 3 chuyến bay 0 đồng đưa đoàn viên, người lao động khó khăn về quê đón Tết.
Bên cạnh 3 chuyến bay, Tổng Liên đoàn cũng dự kiến hỗ trợ khoảng 2.000 vé tàu hỏa cho đoàn viên, người lao động về quê đón Tết, ưu tiên cung đường từ Nam ra Bắc. Các chuyến bay và chuyến tàu cũng dự kiến sẽ tổ chức trước Tết khoảng 10 ngày.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhấn mạnh, hoạt động chăm lo Tết phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng... Công tác truyền thông kỹ lưỡng, đầy đủ, chính xác để người lao động hiểu rõ chính sách chăm lo của tổ chức công đoàn.
Phiên chợ 0 đồng cho công nhân lao động tại Bắc Ninh năm 2023 |
Theo đánh giá của công đoàn các cấp, năm 2023, giá một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá hàng tiêu dùng, thực phẩm; nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương bình quân năm 2023 cho người lao động bằng năm 2022. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài chăm lo Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng yêu cầu tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu: Các hoạt động vui Xuân, đón Tết được tổ chức đầm ấm, vui tươi, mang dấu ấn công đoàn để động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết. Trường hợp có nhiều đoàn viên, người lao động không về quê đón Tết thì tổ chức chương trình “Tết không xa nhà” hoặc các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị. |