Thứ sáu 08/11/2024 20:19

Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để ổn định kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh kinh tế thay đổi khó lường, điều quan trọng nhất là phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, kết quả kinh tế vĩ mô đã có sự khả quan nhất định. Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi nhanh: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 6,42%, trong đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý II-2022 tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay, tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 đạt quy mô 2.717.000 tỷ đồng và tốc độ 11,7% tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tới đây, diễn biến kinh tế còn rất khó khăn, phức tạp, không có tiền lệ, chẳng hạn như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất liên tục trong hai tháng vừa qua, đồng USD tăng giá mạnh, lạm phát trên toàn cầu, các nước Anh, Mỹ lạm phát lên đến 8-9%...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi nhanh. Trong ảnh: Công nhân sản xuất tại Tổng công ty May 10. Ảnh: VŨ DUNG

Hiện nay, lãi suất trên thế giới đang tăng rất mạnh, có 196 lượt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Tín dụng 7 tháng năm 2022 tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối khi đồng USD tăng giá, theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, vừa qua, NHNN đã điều tiết lãi suất ngắn hạn, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ theo sát diễn biến để kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn một cách hợp lý nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đây là điểm tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù áp lực lên tỷ giá rất lớn nhưng nhiều năm qua, chúng ta vẫn giữ được sự ổn định và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong giai đoạn tới. Thực tế, từ đầu năm đến nay, tỷ giá trong nước đã nhiều lần biến động theo đà tăng của USD trên thị trường thế giới. Song biến động tỷ giá chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng ổn định trở lại.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhóm nghiên cứu BIDV dự báo mức độ tăng của tỷ giá không quá lớn do NHNN Việt Nam thực hiện chính sách điều hành linh hoạt chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục, khoảng 110 tỷ USD; nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định.

Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế

Một nhân tố tác động lớn đến kinh tế vĩ mô là tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là vấn đề nới “room tín dụng” (giới hạn cho vay của ngân hàng). Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15, 16% vì nhu cầu vay vốn từ giờ đến cuối năm có xu hướng tiếp tục tăng cao. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022, khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lúc đó là thời điểm nền kinh tế chưa phục hồi nhanh, NHNN Việt Nam đã đưa chỉ tiêu 14%, cao hơn mức 13,6% năm 2021 và 12,17% của năm 2020, như vậy đã tạo dư địa để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên đến nay, nền kinh tế của chúng ta đã phục hồi khá mạnh mẽ và từ nay đến cuối năm, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các gói phục hồi cũng như đẩy mạnh đầu tư công. Như vậy, tới đây sẽ có thêm dòng tiền để hỗ trợ kinh tế. NHNN Việt Nam cho rằng với điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát này thì không thể chủ quan được, nên trước mắt sẽ vẫn điều hành theo chỉ tiêu 14%.

Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết “room tín dụng” là do tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết “room tín dụng” mà còn có thể do phải bảo đảm các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao... Cần phân tích sâu hơn, nếu nới “room tín dụng” thì có thể nguy cơ cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại. Khi đó, lãi suất sẽ có xu hướng tăng cao, dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ lạm phát. Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, việc tăng trưởng nóng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và gây ra những bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế. Do đó, chúng ta cần hết sức thận trọng trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất cho rằng lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chủ yếu do tăng giá xăng, dầu từ tác động trên thế giới. Đây là điểm cần lưu ý khi triển khai các giải pháp, với khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng, dầu, nhất là các mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng, dầu.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, khi FED tăng lãi suất thì sẽ có một dòng tiền có thể sẽ rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam để trở về với những tài sản tài chính của Mỹ có giá trị cao hơn. Tỷ giá của đồng Việt Nam so với USD tăng sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu, nhất là khi hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các nước khác đang tăng giá rất mạnh. Một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ việc FED tăng lãi suất.

Tại cuộc họp với các chuyên gia, nhà khoa học bàn về phát triển kinh tế vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan; nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành. Sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; củng cố và phát triển các loại thị trường vốn, thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, kiểm soát dịch bệnh, dự báo được rủi ro, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

www.qdnd.vn
Bài viết cùng chủ đề: Chính sách tiền tệ

Tin cùng chuyên mục

Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khai trương chi nhánh mới tại Thanh Hóa

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Từ 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ thuộc Ngân hàng Nhà nước

VietinBank lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng 17,3%

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháng 10, HNX đã huy động thành công 30.575 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Manulife mở rộng quy mô chương trình 'Sống Sạch - Sành - Xanh', khuyến khích người dân ‘khoe’ lối sống khỏe

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'