Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình phát triển trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh và bắt kịp tiến trình cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trong khi đó, khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình như KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao đã bước đầu hình thành và phát triển tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các loại hình KCN mới và các dự án đầu tư vào các KCN này không có sự khác biệt so với các KCN đa ngành thông thường.
KKT cửa khẩu chủ yếu dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mua sắm phi thuế quan, chưa tương xứng với tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận và khu vực.
KKT ven biển đều có chung định hướng đầu tư, phát triển đa ngành, như: xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghiệp nặng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, điện..., chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của từng KKT và khai thác hiệu quả kinh tế biển.
Các loại hình khu chức năng trong KKT chậm có sự đổi mới. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế; nhiều địa phương vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ NSTW, chưa tích cực, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn khác.
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các quy định nhằm đổi mới, đa dạng hóa các loại hình KCN, KKT, khu chức năng trong KKT mới và khuyến khích đầu tư vào các loại hình này để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT trong thu hút, hợp tác đầu tư, lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT làm nền tảng; trong đó tập trung vào các chính sách:
- Khuyến khích phát triển loại hình KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái với vai trò là một trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn thông qua việc bổ sung các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại KCN sinh thái.
- Phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, tập trung cho một nhóm ngành hoặc một ngành nhất định như: các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Phát triển KCN công nghệ cao để thu hút dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin; dự án có chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ và dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo và đặc biệt là các dự án công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao.
- Việc xây dựng và phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao cũng như việc thu hút đầu tư thứ cấp vào các KCN này phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí cao hơn so với các KCN thông thường. Vì vậy, trong phạm vi Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai đối với các loại hình KCN nêu trên; dự kiến đề xuất thời hạn hoạt động của các dự án hạ tầng KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao không quá 70 năm.
- Áp dụng các loại hình khu chức năng mới trong KKT (khu thương mại tự do, khu phi thuế quan,…) để thúc đẩy sự phát triển của các KKT.
Chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ
Mục tiêu của chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về chủ trương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng được ưu tiên khác theo quy định của pháp luật được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai chính sách nhằm ưu tiên bố trí quỹ đất cho các đối tượng này còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng thường ưu tiên cho thuê lại đất đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng diện tích đất rộng.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần có các quy định về việc bố trí quỹ đất, mức giá cho thuê đất phù hợp cũng như các ưu đãi khác cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ đầu tư vào KCN, KKT.
Các doanh nghiệp sinh thái trong KCN sinh thái phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chí khắt khe về kinh tế, môi trường, xã hội. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai chưa xác định doanh nghiệp sinh thái trong KCN sinh thái là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung quy định các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai đối với doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại KCN sinh thái để khuyến khích phát triển loại hình này.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.