Thúc đẩy du lịch xanh: Cần đổi mới tư duy, hành động
Từ xu hướng thời thượng đến yêu cầu tất yếu
Từng được xem như một lựa chọn mang tính “thời thượng”, du lịch xanh và bền vững giờ đây đang dần trở thành một đòi hỏi tất yếu. Khi Việt Nam bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ, từ việc thực hiện các cam kết về khí hậu đến việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng nghiêm ngặt, ngành du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc.
LuxGroup Foundation phát động dự án trồng 2000 cây xanh tại Yên Bái nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Ngọc Hoa |
Nhu cầu sống có trách nhiệm hơn từ phía du khách trong nước lẫn quốc tế đang đặt ra những bài toán mới. Đó là làm sao để vừa phát triển vừa gìn giữ, vừa phục vụ nhưng cũng đồng thời tạo giá trị cho môi trường và cộng đồng.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup kiêm Phó Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam (VGTA), du lịch xanh không phải là khái niệm mới nhưng đến nay vẫn thường bị hiểu nhầm hoặc đồng nhất với du lịch bền vững.
Trên thực tế, để thúc đẩy tiêu dùng xanh, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, trong đó khuyến khích phát triển các mô hình du lịch bền vững, du lịch xanh không rác thải nhựa.
Một hành trình có thể được xem là xanh khi ưu tiên yếu tố môi trường như giảm rác thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thiên nhiên, trung hòa khí thải... Nhưng để đạt đến tính bền vững, cần thêm hai trụ cột khác là quản trị minh bạch và hiệu quả, đồng thời tạo giá trị cho xã hội.
Hiện nhiều sản phẩm du lịch cho du khách tham gia các hoạt động bảo vệ và làm sạch môi trường. Ảnh: Ngọc Hoa |
“Một điểm đến chỉ có thể coi là bền vững nếu vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo sinh kế ổn định cho cộng đồng, đồng thời vận hành dựa trên sự minh bạch và tinh thần nhân văn”, ông Hà nói.
Chuyển đổi xanh ngành du lịch: Thách thức lớn, cơ hội dài lâu
Ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực để chuyển đổi xanh song vẫn chủ yếu dừng ở khẩu hiệu hoặc những nỗ lực đơn lẻ. Rào cản lớn nhất hiện nay, theo ông Hà, nằm ở tư duy. Du lịch xanh không thể bắt đầu và kết thúc bằng vài giải pháp bề nổi, nó đòi hỏi một sự thay đổi có hệ thống, bắt đầu từ người lãnh đạo doanh nghiệp, lan tỏa ra đội ngũ nhân viên, đối tác cung ứng và cả khách hàng.
Bên cạnh đó, những việc tưởng chừng đơn giản như bỏ chai nhựa dùng một lần, đầu tư năng lượng tái tạo, ưu tiên nguyên liệu bản địa... đều là những bước đi cần thiết nhưng cũng không dễ dàng thực hiện vì thường tốn kém và chưa thể mang lại hiệu quả rõ ràng ngay lập tức.
Cán bộ, nhân viên của LuxGroup tham gia làm sạch bờ biển. Ảnh: TH |
Thực tế là ở một số địa phương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn trong việc áp dụng các giải pháp xanh vì chi phí cao và thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn quốc tế.
Một rào cản khác là sự thiếu đồng bộ trong toàn chuỗi giá trị du lịch. Một doanh nghiệp dù đã nỗ lực chuyển mình theo hướng xanh cũng khó có thể đi xa nếu khách sạn vẫn duy trì cách vận hành cũ kỹ, tiêu tốn nhiều năng lượng, tạo ra nhiều rác thải; nếu nhà hàng chưa quan tâm đến việc giảm nhựa dùng một lần hay ưu tiên nguyên liệu địa phương; và nếu du khách vẫn chỉ chăm chăm tìm tour rẻ mà không để tâm đến tác động của chuyến đi.
“Những nỗ lực cá nhân sẽ dễ bị cuốn trôi nếu cả hệ sinh thái không cùng chuyển động. Bền vững cần mang tính xuyên suốt trong toàn chuỗi giá trị”, ông Hà nói.
Cuối cùng, việc thiếu một bộ tiêu chuẩn thống nhất cùng cơ chế kiểm toán độc lập khiến nỗ lực xanh hóa dễ rơi vào hình thức. Không ít nơi treo biển “xanh” nhưng lại thiếu số liệu kiểm chứng. Càng thiếu minh bạch, càng dễ xảy ra tình trạng sử dụng công cụ truyền thông để quảng bá hình ảnh xanh mà thiếu hành động thực tế, thậm chí là che lấp những thực hành chưa thực sự bền vững.
Mặc dù đối mặt với nhiều rào cản, một sự thay đổi đáng chú ý đang dần diễn ra. Khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt từ châu Âu và Bắc Mỹ, ngày càng quan tâm đến những lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường. Họ sẵn sàng tham gia các hành trình ít phát thải như đạp xe, đi bộ, hoặc lưu trú tại những khu nghỉ dưỡng vận hành theo tiêu chuẩn xanh.
Tại một số điểm đến, du khách sẵn lòng đóng góp khoảng 1,5 USD mỗi ngày cùng doanh nghiệp để bù đắp khí thải carbon trong suốt chuyến đi. Số tiền ấy được sử dụng minh bạch cho các hoạt động thiết thực.
“Như ở Hà Giang, khoản đóng góp từ du khách đã giúp lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trờicho những vùng chưa có điện, mang ánh sáng đến tận các bản xa”- ông Hà chia sẻ.
Ông Hà cho biết: “Trong xu thế chung đó, chúng tôi cũng đã từng bước định hình phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng xanh và bền vững. Từ năm 2024, LuxGroup đã bắt đầu đào tạo đội ngũ quản lý với trọng tâm bền vững, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn ESG vào hoạt động.
Hiện những hoạt động bảo vệ môi trường luôn được du khách quốc tế yêu thích và hưởng ứng. Ảnh: TH |
Công ty cũng đã chuẩn hóa quy trình nội bộ và xây dựng môi trường làm việc “văn phòng xanh”, thay thế các thiết bị tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm hơn 90% việc in ấn. LuxGroup cam kết không sử dụng nhựa, thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa và thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường trong quản lý, vận hành và truyền thông.”
Đồng thời phát triển một hệ sinh thái sản phẩm du lịch xanh, với mục tiêu giảm phát thải, hỗ trợ cộng đồng và bảo vệ thiên nhiên, di sản. Việc kiểm soát chuỗi cung ứng cũng được chú trọng, với việc đồng hành cùng các đối tác bền vững và đào tạo hướng dẫn viên, tài xế, nhà cung cấp và khách hàng về các giá trị bền vững.
Được biết, hiện Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng bộ tiêu chí xanh để đánh giá mức độ bền vững trong ngành du lịch. Các tiêu chí được thiết kế riêng cho từng loại hình như khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành, vận chuyển và điểm đến, với những yêu cầu cụ thể về mức độ bắt buộc và khuyến khích.
"Cách tiếp cận này giúp đảm bảo tính khả thi khi triển khai, đồng thời tạo nền tảng để thúc đẩy sự chuyển đổi thực chất trong toàn ngành. Để đảm bảo sự minh bạch và độ tin cậy, việc kiểm toán độc lập là yếu tố cần thiết"- ông Hà khẳng định.
Một điển hình có thể kể đến là mô hình không rác thải nhựa đã được các doanh nghiệp ở Hội An triển khai với sự hỗ trợ của UNDP. Các kết quả từ mô hình này được đo lường một cách rõ ràng và công khai, giúp tăng cường niềm tin từ cộng đồng và du khách.
Chủ tịch LuxGroup cho rằng, cần phải biến du lịch bền vững thành một yêu cầu bắt buộc, thay vì chỉ là sự lựa chọn. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ rõ ràng như quỹ vốn xanh, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thực hiện bền vững hoặc giảm chi phí vận hành cho các dự án thân thiện với môi trường. Các cơ quan quản lý cần thiết lập các tiêu chí cụ thể và rõ ràng, chẳng hạn như phân loại theo cấp độ tiêu chuẩn, nâng cao và xuất sắc.
Ngoài ra, để việc chuyển đổi thực sự bền vững, các doanh nghiệp cần thúc đẩy văn hóa “xanh” trong tổ chức và cộng đồng, coi phát triển bền vững là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Việc chuyển từ tư duy lấy lợi nhuận trước mắt sang tư duy bền vững là một thách thức lớn. Song, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng đầu tư vào các giải pháp bảo vệ môi trường thông qua tiêu dùng bền vững không chỉ có lợi cho hành tinh mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho chính họ. |