Thứ hai 23/12/2024 01:00

Thừa Thiên Huế: Kỳ diệu ca ghép tim xuyên Việt chưa đến 5 giờ

Một bệnh nhân được ghép tim xuyên Việt thành công, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên Huế) thực hiện chưa tới 5 giờ đồng hồ.

Ngày 30/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân P.T.T. 43 tuổi ( tỉnh Quảng Nam) vừa được ghép tim đang dần hồi phục sức khỏe.

Trước đó, ngày 17/7, ngay sau khi nhận được thông tin hiến tạng từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia có người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế đã lập tức kích hoạt ê kíp nhận điều phối tạng và kịp thời cử 3 bác sĩ ra phối hợp cùng Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để nhận tạng.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tranh thử từng phút để đưa tim vào lồng ngực cho bệnh nhân (Ảnh: BVTW Huế)

Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, theo thông tin điều phối tạng, người hiến là bệnh nhân nữ 65 tuổi. Trong danh sách chờ ghép tim trên hệ thống của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia của bệnh viện có bệnh nhân P.T.T. 43 tuổi là phù hợp nhất. Bệnh nhân suy tim rất nặng, đáp ứng kém với điều trị nội khoa, chức năng tim rất thấp LVEF 14%, tiên lượng tử vong rất cao.

Sau khi giải thích cho bệnh nhân và gia đình về các nguy cơ và tim hiến từ người lớn tuổi, bệnh nhân và gia đình đồng ý nhận tim. Tuy nhiên bệnh nhân T. từng được phẫu thuật thay van động mạch chủ cách đây 9 năm nên trong quá trình ghép tim, cần phải gỡ dính toàn bộ tim và các mạch máu lớn, nguy cơ chảy máu cao.

GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, chúng tôi tính toán thời gian lấy tim và vận chuyển về Huế phải ngắn nhất có thể. Song song với đó, thời gian chuẩn bị bệnh nhân nhận tim cũng phải hợp lý nhất vì phải gỡ dính toàn bộ giải phẫu tim trên bệnh nhân suy tim rất nặng, cần sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể để ổn định huyết động và tối ưu tưới máu các tạng khác. Điều này sẽ làm kéo dài thời gian tuần hoàn ngoài cơ thể khi ghép tim làm tăng nguy cơ chảy máu sau ghép. Đây thực sự là vấn đề khó khăn cần cân nhắc kỹ để lựa chọn phương án, kỹ thuật ghép, làm sao đảm bảo thành công cho ca ghép tim lần này. “Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy hết lòng vì bệnh nhân cho dù chạy đua với thời gian, phải thực hiện kỹ thuật khó, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vẫn quyết tâm nỗ lực tiếp nhận món quà thiêng liêng, hiếm có ấy để cứu sống người bệnh đang nguy kịch”, GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.

Sau 4 giờ 52 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế, “trái tim Hà Nội” đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế vào lúc 23h01 ngày 18/7.

GS. TS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ghép tạng Việt Nam không hề thua kém thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghép được khoảng 1.000 ca, nâng cao vị thế Việt Nam trong bản đồ ghép tạng trong khu vực. Tuy nhiên, lĩnh vực này gặp nhiều thách thức do nguồn hiến tạng chưa nhiều, hầu hết là từ người cho sống, trong khi ở các nước phát triển thì con số hiến tạng từ người cho chết não nhiều hơn.

Điều này đòi hỏi chúng ta thay đổi tư duy, nhất là trong công tác vận động hiến tạng. Các đơn vị y tế từng bước xây dựng đội ngũ tư vấn viên bài bản, xác định nguồn tiềm năng để đội ngũ này tiếp cận, kiên trì, thuyết phục dần dần các trường hợp được chẩn đoán chết não. Đến nay có gần 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”, GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Đây là ca ghép tim thứ 12 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 11 của Bệnh viện Trung ương Huế. Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành ghép thường quy trên 2.000 ca ghép mô, tạng, tế bào gốc cho bệnh nhân khắp mọi miền đất nước, góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời đang ở lằn ranh sinh tử.

Nguyễn Tuấn
Bài viết cùng chủ đề: ghép tạng

Tin cùng chuyên mục

Bàn giải pháp giải quyết thách thức trong quản lý sức khỏe hô hấp

Phó Thủ tướng yêu cầu dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương vụ cháy quán cà phê tại Hà Nội

400 người dân tại Hưng Yên được khám, tư vấn bệnh hô hấp và sàng lọc ung thư phổi miễn phí

80 người tử vong vì bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo khẩn

Bệnh nhân được trả góp viện phí tại Bệnh viện FV

Bộ Y tế thông tin mới nhất về bệnh lạ ở Congo khiến nhiều người tử vong

Châu Á chiếm đến 58% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu

Dược phẩm Thái Minh ra mắt nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm mới

Bước tiến mới trong chăm sóc nhãn khoa tại Hải Phòng

Trí tuệ nhân tạo trở thành trợ thủ đắc lực trong khám chữa bệnh

Công bố khảo sát về tỷ lệ người hút thuốc lá ở các tỉnh, thành

Vụ hơn 300 người bị ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu: Chủ cơ sở bị phạt 125 triệu đồng

Việt Nam có khoảng 200.000 ca sốt xuất huyết mỗi năm

Bộ Công Thương triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

Nhiều năm liên tiếp, doanh nghiệp sữa Cô Gái Hà Lan nhận giải thưởng Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam

Thanh lọc cơ thể để tươi mát tận hưởng không khí cuối năm bất chấp công việc bộn bề

Vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở TP. Vũng Tàu: Mẫu thức ăn có vi khuẩn Salmonella, E.coli

Nóng trong người khi làm ngày và tăng ca đêm cuối năm: Làm gì để thanh lọc làm mát cơ thể?

Vụ hơn 300 người ngộ độc nghi do bánh mì ở Vũng Tàu: Một nạn nhân tử vong

Thừa Thiên Huế: kỷ lục về thời gian ca ghép tim xuyên Việt