Thừa Thiên Huế: Đa dạng giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tháng 3/2023, toàn tỉnh đã giải giải quyết 1.400 người lao động, đưa 33 người đi lao động làm việc nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 3.705 người lao động, đạt 21.79% so với chỉ tiêu kế hoạch năm, đạt 110% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 544 người, đạt 27.2% so với kế hoạch năm.
Nhằm phát triển thông tin thị trường lao động và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, tỉnh còn tập trung triển khai đồng bộ công tác truyền thông, tuyên truyền; với nội dung và những cách thức phù hợp: Thông tin, tuyên truyền trên đài phát thanh, tờ rơi, tờ gấp, qua các Hội nghị, qua trang thông tin điện tử của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, qua Facebook và Website việc làm của Trung tâm.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 384.000 lượt người truy cập website việc làm Huế; 1.906 lượt người thu thập thông tin người tìm việc; 1.675 lượt người làm việc tại sàn giao dịch việc làm, trực tiếp tại Trung tâm; 231 lượt người truy cập qua website, trang mạng xã hội với 15.654 vị trí việc làm trống; 12.488 vị trí việc làm tại sàn giao dịch việc làm, trực tiếp tại Trung tâm; 3.166 vị trí việc làm qua website, trang mạng xã hội...
Tính riêng trong quý I/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận 2.517 lượt hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, có 2.523 lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí 44.745 tỷ đồng; 190 lượt người có quyết định hỗ trợ học nghề với số tiền chi hỗ trợ học nghề là trên 1,13 tỷ đồng; 2.878 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 488 lượt lao động được giới thiệu việc làm thành công.
Nguyên nhân thất nghiệp của người lao động tập trung chủ yếu do hết hạn hợp đồng lao động hoặc hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 92%); do daonh nghiệp, tổ chức giải thể, phá sản (chiếm 3%); do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 1%) và do nguyên nhân khác (chiếm 4%).
Bên cạnh những kết quả này, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thông tin, dự báo nhu cầu thị trường lao động; kết nối chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc tổ chức Phiên giao dịch việc làm là một trong số những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động sau đại dịch Covid-19.
Theo ông Thông, các phiên giao dịch không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà đây cũng chính là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động, để từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thúc cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động.
Ngay trong những tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm đầu xuân thu hút 28 doanh nghiệp tham gia, với gần 4.000 vị trí việc làm cả trong nước và ngoài nước cần tuyển dụng. Trong đó, có 17 đơn vị tuyển dụng việc làm trong nước, 9 đơn vị tuyển dụng đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài (các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hunggary, Rumani…) và 2 đơn vị tuyển sinh.
Đáng chú ý, tại phiên giao dịch có nhiều doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia, tuyển dụng nhiều vị trí việc làm với số lượng lao động cần tuyển lớn. Tiêu biểu như Công ty CP Kim Long Motors Huế (Khu Kinh tế Chân Mây) đăng ký tuyển hơn 400 người với các vị trí: Kiểm tra chất lượng, Thiết kế điện hệ thống, kết cấu cơ khí, Quản lý kho + giá thành tổ cơ điện, Tổ cơ điện, Lắp đặt MMTB, Gia công cơ khí, Chuyền trưởng Xưởng sản xuất Hàn, Công nhân xưởng Hàn CO2, Kỹ thuật Sơn…
Các trình độ tuyển dụng từ đại học đến lao động phổ thông. Hay Công ty Scavi tuyển gần 370 lao động; Công ty TNHH MTV HANEX Huế tuyển 530 người; Công ty TNHH Scavi MED tuyển hơn 300 người; HBI Huế tuyển 260 người… Đa số người lao động cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để người lao động Thừa Thiên Huế có thể tìm được cơ hội việc làm ổn định, thu nhập tốt ngay tại quê hương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Giải quyết việc làm cho người lao động là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hơn việc thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường lao động, cả ngắn hạn và dài.
Đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động đưa lao động ra ngước ngoài làm việc theo hợp đồng, kết nối chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung của các phiên giao dịch việc làm theo hướng chuyên sâu, theo nhóm nghề cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối, cân bằng cung - cầu lao động.
Trong năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động trên địa bàn. |