Thừa Thiên Huế: Công nhận Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể
Sáng ngày 23/11, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu /chu-de/di-san-van-hoa-phi-vat-the.topic quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế”.
Áo Ngũ thân, tiền thân của áo dài Việt Nam hiện đại vốn ra đời ở Đàng Trong, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Đây là kết quả của sự sáng tạo của cư dân Việt trên con đường Nam tiến, mở rộng cương thổ đất nước về phía Nam. Từ năm 1744, vị chúa Nguyễn đời thứ 8 ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định chọn loại trang phục này làm thường phục cho toàn thể nhân dân Đàng Trong (từ sông Gianh Quảng Bình đến hết vùng đất miền Nam hiện nay).
Đầu thế kỷ XIX, trong thời kỳ đất nước thống nhất, Hoàng đế Minh Mạng lại tiếp tục chọn áo Ngũ thân làm trang phục chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1837-1945, áo Ngũ thân rất phổ biến ở cả hai miền Nam Bắc, và được xem là Quốc phục của người Việt.
Lễ đón nhận danh hiệu Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hiếu Minh |
Trải qua thời gian dài hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ Huế đã tích lũy nhiều Tri thức may, mặc áo dài. Đó không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội. Bước vào thời kỳ hiện đại, áo dài Huế vẫn được nhiều đối tượng sử dụng, phổ biến nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, cao niên, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ở ngoài chợ...
Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Thiết kế, may đo áo dài vừa là một ngành nghề thủ công lại vừa là một ngành thiết kế sáng tạo đặc biệt, tạo nên những sản phẩm ấn tượng và có tính phổ biến rất cao. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn tạo điều kiện phát triển các ngành khác như sản xuất hàng lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Cùng với việc triển khai đề án Huế Kinh đô áo dài Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao đã tập trung khảo sát, nghiên cứu xây dựng hồ sơ về nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau gần 3 năm bền bỉ, nỗ lực, hồ sơ đã được bảo vệ thành công. Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh di sản này với tên gọi “Tri thức may, mặc áo dài của người Huế”.
Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm bảo tồn, phát huy và lan tỏa hơn nữa giá trị của áo dài trong cuộc sống đương đại. Đồng thời sẽ đề xuất lãnh đạo tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tiến hành việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học “Tri thức may, mặc Áo dài Huế” đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.