Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học
Sáng ngày 25/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành công điện hoả tốc về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 18 - 25/11/2024, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt vùng núi phổ biến 500-800mm, có nơi cao hơn như Khe Tre (Nam Đông) 823mm, đỉnh Bạch Mã 2.997mm; mực nước sông Hương, sông Bồ đã lên trên mức báo động II. Dự báo từ ngày 26-28/11/2024, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa, rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Sáng ngày 25/11, nước lũ đã tràn qua Đập Đá, TP. Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tiếp tục theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức kiểm tra, kiên quyết tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, vùng ven sông, ven biển, cửa sông, ven phá (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…).
Tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân có phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu chủ động ứng phó với mưa lũ, chia cắt có thể diễn ra dài ngày. Chỉ đạo lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ…
Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ kiểm tra các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; tiếp tục chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ cho các đợt mưa lớn trong những ngày tới; trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du…
Trước diễn biến mưa lớn, ngập lụt, học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được nghỉ học ngày 25/11 |
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 25/11.
Trao đổi với Báo Công Thuơng, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho biết, lúc 7h ngày 25/11 mực nước sông Hương tại trạm Kim Long ở mức 2,99m, dưới báo động 3 là 0,51m; sông Bồ tại Phú Ốc ở mức 3,64m, trên báo động 2 là 0,64m. Hiện nay, các hồ thủy lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành an toàn. Mực nước đạt mực nước dâng bình thường, vận hành với lưu lượng đến bằng lưu lượng đi.
Sáng 25/11, UBND huyện Phú Lộc đã chỉ đạo sơ tán 43 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở đất, trong đó: 14 hộ dân khu vực Phú Gia, xã Lộc Tiến; 7 hộ dân thôn Trung Phước Tượng và Trung An, xã Lộc Trì; 10 hộ dân dọc đường QL 49B, xã Lộc Bình; 12 hộ thôn Bạch Thạch, xã Lộc Điền.
Trước đó, lúc 19h45 ngày 24/11/2024, do mưa lớn, tại nhà ở ông Trần Văn Khưa (thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) đã xảy ra sạt lở đồi đất phía sau xuống nhà đang sinh sống. Trong nhà có 8 người (các thành viên trong gia đình). Ông Khưa và vợ là bà A Hơ bị thương được lực lượng chức năng đưa đi sơ cứu tại Trạm y tế Đoàn KTQP 92, còn lại 6 thành viên trong gia đình an toàn và được đưa đến trú tại nhà người thân xung quanh. Nhà bị sập một phần, chưa di chuyển tài sản ra được.