Thừa Thiên Huế: Chậm đóng bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bị phạt hơn 500 triệu đồng
Ngày 3/2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm đối với 3 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Phương Minh; Công ty TNHH Quốc Thắng và Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế với tổng số tiền hơn 562 triệu đồng.
Chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế bị phạt |
Theo đó, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện Công ty Cổ phần Phương Minh có địa chỉ tại số 16 Thống Nhất, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế có hành vi chậm đóng hơn 1,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nên bị lập biên bản xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Quốc Thắng, có trụ sở chính tại số 03 Kiệt 63 Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Tây, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đóng bảo hiểm cho người lao động không đúng mức quy định; đóng bảo hiểm y tế không đủ số tiền phải đóng hơn 3,1 tỷ đồng nên bị xử phạt hành chính hơn 182 triệu đồng.
Công ty TNHH Một thành viên Takson Huế, trụ sở chính tại Lô K2, Khu công nghiệp Phú Bài, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy bị phạt 200 triệu đồng với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gần 3,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngoài việc bị phạt hành chính, các doanh nghiệp này còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội (tính đến thời điểm lập biên bản) đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.
Đối với hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng, buộc công ty phải nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng.
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của công ty để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội…
Đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm y tế và hành vi đóng bảo hiểm y tế không đủ số tiền phải đóng, buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bị thiệt hại (nếu có)…
Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt và mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do các công ty vi phạm chi trả.