Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 25 - 28/6
Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25 - 28/6.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra sau chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối tháng 10/2022, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thuận lợi. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF từ ngày 25 - 28/6 |
Trước đó, ngày 4/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Hai Thủ tướng nhất trí sẽ tăng cường trao đổi, phối hợp, nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương bước vào giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt là chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hai bên triển khai thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhất là "Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" (tháng 11/2022).
Với WEF, đây là diễn đàn về kinh tế, chính sách hàng đầu thế giới. Các sự kiện của WEF thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. WEF là nơi lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp hàng đầu và học giả thảo luận những vấn đề thời sự quốc tế, nhằm tạo nên sự kết nối để thúc đẩy hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực.
Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu.
Việt Nam là khách mời thường xuyên của các hội nghị do WEF tổ chức thường niên ở Davos. Gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp ông Klaus Schwab, Nhà sáng lập của WEF tại Campuchia, hồi tháng 11/2022 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN. Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF năm nay có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có thể kể đến Thủ tướng các nước Barbados, New Zealand và Mông Cổ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022.
Số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 20,3 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc và nhập khẩu 41,2 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu sản xuất.
Về đầu tư, lũy kế đến tháng 5/2023, Trung Quốc đứng thứ 6 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng cộng 3.720 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 24,9 tỷ USD.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...