Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án chậm tiến độ hồ thủy lợi Bản Mồng - Nghệ An
Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Đây là công trình thủy nông lớn nhất Nghệ An với sức chứa 225 triệu m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 18.800 ha đất nông nghiệp của 5 huyện, thị của tỉnh. Ngoài ra còn tham gia phát điện, cải tạo môi trường, đồng thời kết hợp giảm một phần lũ cho khu vực hạ du sông Hiếu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát dự án hồ thủy lợi Bản Mồng chiều 23/7 tại Nghệ An |
Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công trình được phê duyệt từ năm 2009 với kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2016 bị tạm dừng do không cân đối đủ vốn.
Hơn 10 năm dang dở, đến nay, dự án đã được hoàn thiện khoảng 95% cụm công trình đầu mối, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Theo thiết kế, đập chính bằng bê tông dài 211 m, cao hơn 45 m. Tràn xả lũ gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 7,5 m.
Lòng hồ Bản Mồng rộng khoảng 25 km2, nằm chủ yếu ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa). Nghệ An đã gần hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng, thu dọn lòng hồ theo kế hoạch. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa giải phóng mặt bằng, đền bù cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án.
Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, các đơn vị nêu một số nguyên nhân khiến dự án chưa đi vào hoạt động sau nhiều năm. Cụ thể là vướng mắc về pháp lý khi Luật Đầu tư công năm 2019 không có quy định chuyển tiếp với các dự án trước đây được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (nhưng không có quyết định chủ trương đầu tư), nay cần được phê duyệt bổ sung vốn đầu tư.
Dù đã đầu tư hơn 3.740 tỷ đồng song hơn 10 năm qua, hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) vẫn chưa hoàn thiện |
Trong khi đó, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất các cơ quan có thẩm quyền bổ sung thêm vốn cho công trình, gồm kinh phí bổ sung cho giải phóng mặt bằng (chủ yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) và kinh phí bổ sung cho phần xây lắp.
Theo báo cáo, hiện các cơ quan đã bố trí được vốn cho các công việc trên, nhưng do vướng mắc pháp lý nên chưa thể triển khai. Mặt khác, Bộ cũng đang trình các cơ quan có thẩm quyền dự án xây dựng hệ thống kênh dẫn nước (được tách thành dự án độc lập) với kinh phí khoảng 1.800 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới dự án kéo dài, không đúng tiến độ, không hoàn thành dứt điểm, gây lãng phí là do việc phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, manh mún, không trọng tâm, trọng điểm.
Thực tiễn đang đặt ra bài toán khi có khoảng trống về pháp lý liên quan tới Luật Đầu tư công, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định của pháp luật, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét phương án xử lý các vướng mắc về mặt pháp lý.
Đồng thời, triển khai các công việc cần thiết theo quy định để khẩn trương hoàn thành trong thời gian sớm nhất hệ thống kênh mương để phát huy hiệu quả của dự án. Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan mời lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham dự cuộc làm việc sắp tới để tham gia giải quyết vấn đề liên quan tới đền bù tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án.