Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Toàn ngành Công Thương linh hoạt, kịp thời gỡ khó, huy động nguồn lực cho phát triển
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 17/9, báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắngcho biết, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 8 tháng qua, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực
Theo đó, trong 8 tháng 2024, sản xuất công nghiệp cho thấy xu hướng tích cực, tiếp đà đi lên, điều này khẳng định Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt.
Chỉ số PMI tháng 8 của ngành sản xuất đạt 52,4 điểm, mặc dù giảm so với mức 54,7 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm giữa quý III, trong đó có những điểm nhấn tích cực là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể, áp lực lạm phát đã nhẹ bớt... cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất cải thiện tích cực.
Do đó, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%), đóng góp 8,4 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%, đóng góp 1,0 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,0%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,6%; khai thác quặng kim loại tăng 19%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 4%; sản xuất đồ uống tăng 0,5%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 3,4%; khai thác than cứng và than non giảm 3,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,6%.
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương, chỉ giảm ở 02 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Cụ thể, một số địa phương, trong đó có địa phương trọng điểm về sản xuất công nghiệp có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Lai Châu tăng 45,4%; Phú Thọ tăng 40,0%; Bắc Giang tăng 28,1%; Bình Phước tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 16,6%; một số địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Khánh Hòa tăng 204,3%; Trà Vinh tăng 59,6%; Cao Bằng tăng 44,2%; Lai Châu tăng 37,5%; Điện Biên tăng 36,8%; Sơn La tăng 32,7%; Thanh Hóa tăng 29,7%. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ năm trước như: Hà Tĩnh giảm 4,4%; Quảng Ngãi giảm 3,2%; Gia Lai giảm 1,6%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu mở đầu buổi làm việc |
Trong 8 tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 31%; thép cán tăng 17,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,6%; đường kính tăng 14,2%; xăng, dầu các loại tăng 12,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,2%; điện sản xuất tăng 10,9%; thủy hải sản chế biến tăng 10,7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí hóa lỏng LPG giảm 15,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 5,2%; bia giảm 3,7%; than sạch giảm 3,4%; alumin giảm 2,7%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước cho thấy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp khi số lượng đơn đặt hàng tăng, kéo theo nhu cầu sử dụng lao động tăng.
Trong những tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại. Theo đó, WB vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 8/2024, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2024, cao hơn so với mức 5% năm 2023, sau đó sẽ lên mức 6,5% trong năm 2025, 2026);
Tuy nhiên, tình hình phát triển sản xuất và thương mại những tháng cuối năm cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như: tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; diễn biến lạm phát và triển vọng hạ lãi suất của FED chưa rõ ràng; tăng trưởng thương mại toàn cầu mặc dù hồi phục nhưng chưa thể trở lại mức trước đại dịch (theo WTO, tổng tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ năm 2024 vẫn đang thấp hơn 1,2% so với mức cao kỷ lục 4,2% trong giai đoạn 2006 - 2015); xung đột địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của một số đối tác thương mại lớn còn chậm (tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại khi GDP quý II chỉ tăng 4,7%, thấp hơn mức dự báo tăng 5,1% và thấp hơn mức tăng 5,3% trong quý I; Theo Trading Economics, GDP Quý II/2024 của khu vực đồng Euro dự báo chỉ tăng 0,3% so với quý I/2024 và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước), lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam….
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại |
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật theo định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; các Nghị quyết chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ từ đầu năm đến nay.
Về phát triển sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh;
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến chế tạo để mở rộng sản xuất như: xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm; trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước (thép, phân bón, điện – điện tử…);
Tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế (như World Bank, IFC, UNIDO...) nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành CNHT ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khả quan
Với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 8 tháng năm 2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%.
8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa cho thấy sự phục hồi mạnh, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,88 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 191,21 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 72,1%. 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).
Chiều ngược lại, tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 89,58 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 156,44 tỷ USD, tăng 16,5%. Có 38 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 90,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,7%).
Tính chung 8 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.
Tính theo khu vực thị trường, trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%; nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.
Về thị trường trong nước, 8 tháng qua, thị trường trong nước phát triển mạnh, các kênh phân phối hàng hóa phát triển với nhiều hình thức phân phối hiện đại, hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ngày càng cao của người dân và đảm bảo cung ứng tư liệu phục vụ sản xuất. Trong 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng khá cao (đạt 8,5%) so với cùng kỳ năm trước.
Về công tác Quản lý thị trường, 8 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, từ ngày 15/7/2024 đến ngày 14/8/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 4.257 vụ vi phạm; thu nộp NSNN trên 38 tỷ đồng.
Lũy kết 8 tháng đầu năm 2024: Từ 15/12/2023-14/8/2024, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng.
Cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương, gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Dù vậy, trong 8 tháng qua, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa toàn diện (còn 2 địa phương có chỉ số IIP giảm); một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước; ngành thép, vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản trong nước tiếp tục trầm lắng và nhu cầu thế giới giảm, cung vượt cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu đều giảm;
Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng, hoạt động logistics khu vực và toàn cầu.
Hoạt động thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng phải đối mặt với sức ép tăng giá những tháng cuối năm, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Nhiệm vụ giải pháp trong những tháng cuối năm
Trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật theo định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; các Nghị quyết chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ từ đầu năm đến nay.
Hai là, về phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc triển khai các công trình trong lĩnh vực dầu khí, nhất là các dự án trong điểm về dầu khí, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Bám sát tình hình cấp than cho sản xuất điện để kịp thời tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ để xem xét, chỉ đạo các vấn đề phát sinh.
Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến chế tạo để mở rộng sản xuất như: xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm. Trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi như về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất trong nước… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Xem xét, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường cho ngành sản xuất trong nước (thép, phân bón, điện – điện tử…).
Tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế (như World Bank, IFC, UNIDO...) nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNHT tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành CNHT ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Ba là, về đảm bảo ổn định cung cầu về năng lượng, đặc biệt là về cung ứng điện: Đảm bảo công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm chủ động trong mọi tình hình, đặc biệt là đối với khu vực miền Bắc. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Thường xuyên theo dõi, giám sát việc cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu), tình hình vận hành các nguồn điện, đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2024;
Tăng cường công tác triển khai 04 Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản (năng lượng, điện, hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt và thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản);
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Bốn là, về thúc đẩy xuất nhập hàng hóa: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp. Trọng tâm là: (1) Tình hình chiến sự Nga - Ucraine; xung đột leo thang tại dải Gaza, Biển Đỏ; (2) Diễn biến xung đột thương mại Trung Quốc - EU; (3) Xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành công nghiệp của EU, các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu.
Tiếp tục chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp UBLCP, UBHH, các nhóm công tác và TBHH song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… nhằm tháo gỡ các khó khăn, rào cản từ đó đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang khu vực. Tiếp tục tận dụng, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên thuộc các cơ chế hợp tác tiểu vùng nhằm tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ từ các đối tác phát triển, mở cửa thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam.
Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động XTTM tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập. Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;
Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; Phối hợp với các cơ quan, địa phương trong nước tăng cường trao đổi với cơ quan, địa phương phía Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới và thúc đẩy xây dựg cơ sở hạ tầng thương mại biên giới tại các địa phương biên giới phía Bắc;
Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài đã và đang điều tra.
Năm là, về ổn định, phát triển thị trường trong nước: Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai Luật Cạnh tranh để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025...
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về Phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế và tích hợp công cụ PVTM vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách để phát triển sản xuất trong nước.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...