Sáng 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam |
Kết quả với 458/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 95,62% tổng số đại biểu, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định cấp phó trong hệ thống chức danh cơ bản của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; bổ sung chức danh, chức vụ tương đương với các chức danh, chức vụ cơ bản trong bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và một số chức vụ chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị chưa được quy định tại khoản 1 Điều này; rà soát, bổ sung cho phù hợp với biên chế tổ chức hiện nay do sáp nhập, thành lập đơn vị mới; cân nhắc từ “cơ bản” tại tiêu đề khoản 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, quân đội có 6.277 chức vụ, 12.310 chức danh nên không thể quy định hết các chức vụ, chức danh trên trong Luật; vì vậy, khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật chỉ quy định chức vụ, chức danh cơ bản.
Với các chức vụ, chức danh chưa được quy định tại khoản 1 Điều này, thực hiện Kết luận của cơ quan có thẩm quyền tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 6/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung lần này không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống trong lực lượng vũ trang mà giao Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định theo thẩm quyền tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật (nội dung sửa đổi khoản 2 Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành) để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện và yếu tố bí mật quốc phòng, quân sự.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý về kỹ thuật và giữ nội dung như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về khoản 2 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 13 - Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan), một số ý kiến đề nghị quy định tuổi của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam thống nhất theo Bộ luật lao động và Luật Công an nhân dân; đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp cho từng quân, binh chủng, phù hợp với tính chất, môi trường, địa bàn công tác; giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở một số chức danh chỉ huy, quản lý nhưng không cao hơn độ tuổi theo cấp bậc quân hàm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, do cơ cấu, tổ chức, tính chất, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến của quân đội và công an khác nhau, nếu tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội bằng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an nhân dân hoặc bằng tuổi của người lao động theo Bộ luật Lao động sẽ không bảo đảm cho sĩ quan, nhất là sĩ quan ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.
Hàng năm, quân đội vẫn phải tuyển sinh quân sự để sắp xếp và trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp phân đội, nếu tăng thêm tuổi so với dự thảo Luật sẽ gây dôi dư, ùn tắc trong đội ngũ sĩ quan.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan như dự thảo Luật vừa giữ gìn được đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe trong chỉ huy, quản lý, nghiên cứu, tham mưu và số cán bộ có chuyên môn trình độ cao để có nhiều thời gian phục vụ Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại; bảo đảm sĩ quan cơ bản có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ như dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan gắn liền với cấp bậc quân hàm, phù hợp với hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị và được quy định thống nhất. Hệ thống tổ chức và cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội được tổ chức theo hình tháp, nhu cầu phát triển lên chức vụ, cấp bậc quân hàm càng cao thì càng bị thu hẹp, sĩ quan giữ chức vụ và cấp bậc quân hàm thấp phải trẻ hơn sĩ quan giữ chức vụ và cấp bậc quân hàm cao. Vì vậy, đối với sĩ quan chỉ huy, quản lý đơn vị, thời gian giữ mỗi chức vụ chỉ ổn định trong một thời gian nhất định và phải thay đổi để trẻ hóa, hạn chế tình trạng ùn tắc ở cấp trên, thiếu hụt cấp dưới.
Do đó, để bảo đảm chất lượng, sự phát triển của sĩ quan và cân đối về số lượng cán bộ giữa các cấp, các chức nên độ tuổi phải được giãn cách hợp lý. Việc điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan như dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn và lao động đặc thù nêu trên.
Về khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 15 - Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho hay, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 185-TB/TW ngày 28/10/2014: Quân đội không quá 415 vị trí có trần quân hàm cấp Tướng; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm số lượng vị trí có cấp bậc quân hàm cấp tướng theo quy định.
Nếu bổ sung số lượng Thượng tướng cho chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng và quy định trần quân hàm cấp tướng cho Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự của 11 tỉnh trọng điểm như Luật CAND (không quy định trần quân hàm cấp tướng cho Chính ủy) thì không phù hợp với Nghị quyết số 51-NQ/TW và vượt quá số lượng cấp tướng theo quy định của Bộ Chính trị; như vậy, sẽ tác động đến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố khác và các chức danh tương đương khác trong toàn quân như Sư đoàn trưởng, Chính ủy Sư đoàn.
Mặt khác, không bảo đảm nguyên tắc cấp bậc quân hàm sĩ quan của cấp trên cao hơn cấp bậc quân hàm sĩ quan của cấp dưới, dẫn đến bất cập trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Hiện nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định và sửa đổi Thông tư về chức vụ, chức danh của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; trong đó xem xét, tính toán kỹ lưỡng cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan trong toàn quân, bổ sung quy định cụ thể số lượng và từng vị trí có cấp bậc quân hàm Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân và Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và không vượt quá số lượng theo kết luận của Bộ Chính trị; sửa đổi những nội dung về chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng, cấp tá, cấp úy, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật và cơ cấu, tổ chức biên chế, tính chất nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.