Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Samsung Điện cơ) với số vốn tăng thêm là 920 triệu USD, nâng tổng vốn Samsung đã đầu tư vào dự án này lên tới 2,27 tỷ USD. Như vậy đến nay, Tập đoàn Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 19,2 tỷ USD, và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Cùng thời điểm, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Skoda (Cộng hóa Séc) đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Quảng Ninh nhằm trao đổi về việc hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô tại tỉnh Quảng Ninh.
Các khu công nghiệp đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia |
Theo ông Ondrej Cerny - Giám đốc phụ trách khu vực Nga và các thị trường mới (Công ty Cổ phần Ôtô Skoda), việc nghiên cứu đầu tư dây chuyền, xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại Quảng Ninh nhằm mang đến công nghệ tối tân nhất, sẵn sàng đóng góp hơn nữa vào ngành ôtô của Việt Nam. Dự kiến dự án có thể bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao mong muốn đầu tư của Công ty Cổ phần Skoda, qua đó cho thấy tiềm năng, lợi thế về địa chính trị và môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù dịch bệnh còn diễn biến khó lường, nhưng Việt Nam có nhiều triển vọng thu hút FDI. Hiện, Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Dự kiến đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng và bứt phá trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế để thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Ông Alexander Goetz – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) dẫn kết quả khảo sát thực hiện gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK) cho biết, hơn 65% đơn vị tham gia khảo sát tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2022. Cùng với đó, 50% doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam cũng cho biết, họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, qua đó giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Mặc dù cơ hội thu hút FDI của Việt Nam đang rất lớn, song cuộc cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển, có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ, lao động… đang ngày càng trở nên gay gắt, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn FDI trên toàn cầu thời gian qua bị thu hẹp bởi tác động từ đại dịch Covid-19. Rất nhiều các quốc gia đang muốn tranh thủ nguồn lực bên ngoài, trong đó có nguồn lực từ dòng vốn FDI để phục hồi kinh tế. Theo đó, để thu hút được những dòng vốn chất lượng, Việt Nam bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện, hoàn thiện hạ tầng giao thông, tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ… cần có thêm những chính sách, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, có sức lan tỏa đến khu vực kinh tế trong nước thông qua xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Hiện đã có hơn 141 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư tại Việt Nam với hơn 34 nghìn dự án, tổng vốn đăng ký 416 tỷ USD. |