Ngày 14/5/2024, tại Thủ đô Sofia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng Đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn đã tham dự Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Bulgaria. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã chia sẻ cụ thể về tình hình phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như những điều kiện thuận lợi về chơ chế, chính sách... để doanh nghiệp Bulgaria quan tâm tìm hiểu và xây dựng kế hoạch đầu tư.
Ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) |
Tại Tọa đàm, ông Phùng Mạnh Ngọc, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã chia sẻ những định hướng phát triển của ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam.
Cục trưởng Phùng Mạnh Ngọc cho biết, cũng như Bulgaria, Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Những năm qua, hai nước Việt Nam và Bulgaria đã có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt.
Về quan hệ kinh tế, năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Bulgaria đạt 211,4 triệu USD, tăng 3,7% so với 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria đạt 140,5 triệu USD, giảm 0,4% so với năm 2022. Nhập khẩu từ Bulgaria đạt 70,9 triệu USD, tăng 13% so với năm 2022. "Đây là kết quả quan trọng, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của mỗi bên" - Cục trưởng Phùng Mạnh Ngọc thông tin và nhấn mạnh, Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu Việt Nam - Bulgaria được tổ chức cũng là sự khẳng định cho việc hợp tác của hai Bộ, hai quốc gia cũng như triển khai ý kiến mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria Petko Nikolov đã trao đổi bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 diễn ra tại UAE vào tháng 2/2024 vừa qua.
Tại Tọa đàm Hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Bulgaria, ông Phùng Mạnh Ngọc (ngoài cùng bên phải ảnh) đã chia sẻ những định hướng phát triển của ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam |
Với riêng ngành hóa chất, Cục trưởng Cục Hóa chất thông tin, tại Việt Nam, công nghiệp hoá chất được coi là ngành công nghiệp nền tảng trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Do vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư với các quốc gia phát triển, trong đó có Bulgaria với định hướng thu hút đầu tư công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mới.
Ông Phùng Mạnh Ngọc cho biết, hiện nay, công nghiệp hoá chất Việt Nam có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh với 10 phân ngành chính gồm hóa nông (phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật), hóa dầu, hóa chất cơ bản, điện hóa, sơn - mực in, khí công nghiệp, hóa dược, sản phẩm cao su, chất tẩy rửa và hóa chất khác.
Tuy đã có sự tiến bộ với một số dự án hóa dầu hiện đại, song về cơ bản công nghiệp hoá chất vẫn cần phải phát triển hơn nữa để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu nhằm tận dụng tốt những lợi thế về địa lý cũng như thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động điều chỉnh các quy định, chính sách nhằm thu hút có hiệu quả hơn đối với các hoạt động đầu tư. Trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới, chúng tôi đã đề xuất các chính sách ưu đãi đặc biệt với một số loại hình và ngành nghề đầu tư như: Sản xuất hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, cao su kỹ thuật, hóa chất năng lượng không tạo ra khí thải cacbon từ nguồn năng lượng tái tạo, đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tổ hợp công nghiệp chuyên ngành hoá chất.
"Ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam sẵn sàng chào đón, hỗ trợ và phối hợp với Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria cũng như các doanh nghiệp Bulgaria khi đến đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư; góp phần tăng cường giao thương hàng hóa với giữa hai quốc gia" - Cục trưởng Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cửa ngõ để sản phẩm, hàng hóa của Bulgaria vào khu vực Đông Nam Á; và mong muốn Bulgaria đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu.