Thông tin ngành Công Thương đáng chú ý trên các báo ngày 19/3
Lĩnh vực năng lượng
Trên Báo điện tử Pháp luật ngày 19/3 đăng tải tin: "Đề xuất xây dựng đường ống dẫn dầu từ Việt Nam sang Lào"
Chia sẻ về chuyến công tác, ông Nguyễn Hồng Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), cho biết đoàn có sự tham gia của ông Kenmei Kitagawa, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến thương mại Nhật Bản – Châu Á, ông Tetsunobu Ishihama, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến An toàn Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mazda Oil.
Trong các buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương Lào và lãnh đạo Chính phủ Lào, đoàn đã đề xuất khả năng xây dựng đường ống dẫn dầu nối từ Việt Nam sang Lào. Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư 450 - 500 triệu USD, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp từ Việt Nam, Nhật Bản và Saudi Arabia. Nếu được triển khai, dự án sẽ gồm ba giai đoạn: khảo sát, thiết kế và xây dựng hai đường ống dẫn dầu và xăng, vận hành hệ thống. Đây được kỳ vọng là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Báo Kiểm toán đăng tải tin: "Nhiệt điện Hải phòng sẵn sàng cung ứng điện mùa nắng nóng 2025".
Mùa khô năm 2025 sẽ là thời điểm nhu cầu điện năng tăng mạnh, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã xác định chuẩn bị sẵn sàng năng lực phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Năm 2025, nước ta với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, GDP phấn đấu tăng từ 8-9%; từ giai đoạn 2026 trở đi, phấn đấu tăng trưởng cao hơn nữa, vì vậy nhu cầu sử dụng điện của các doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế sẽ rất lớn.
Chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất điện cao điểm mùa khô và cả năm 2025, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng đã chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả để bảo đảm điện luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia, hoàn thành tốt công tác sản xuất, cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội.
Nhiệt điện Hải phòng sẵn sàng cung ứng điện mùa nắng nóng 2025. Ảnh minh họa |
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Trên Tạp chí điện tử Znews đăng tải thông tin: "Sầu riêng 'tắc đường' qua Trung Quốc ảnh hưởng toàn ngành rau quả"
Sản lượng rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm nay, do nước này siết kiểm tra lượng bảo vệ thực vật có trong sầu riêng.
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã mang về 724 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 2, giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 350 triệu USD, giảm 7% so với tháng trước đó.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu chính của các mặt hàng rau quả Việt Nam là Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, về 306 triệu USD.
Trên Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đăng tải: "Xuất khẩu giảm gần một nửa trong tháng 2, ngành tôn mạ đang đối mặt với áp lực kép"
Doanh nghiệp tôn mạ phải đối mặt với tình hình xuất khẩu khó khăn hơn khi làn sóng bảo hộ đang diễn ra mạnh mẽ. Trong khi đó, tại thị trường trong nước áp lực cạnh tranh không hề nhỏ khi tổng công suất của các nhà máy gấp 3 lần nhu cầu.
Ngành thép nói chung và tôn mạ nói riêng tiếp tục đối mặt với khó khăn, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu. Theo số của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu tôn mạ, sơn phủ màu đã ghi nhận hai tháng giảm mạnh liên tiếp trong năm 2025, tháng 1 giảm 32%, tháng 2 giảm 45% so với cùng kỳ.
Tính chung hai tháng qua, xuất khẩu mặt hàng này giảm 38% xuống 326.665 tấn. Tôn mạ là mặt hàng có số lượng xuất khẩu nhiều nhất và ghi nhận mức sụt giảm doanh số xuất khẩu lớn thứ hai (sau HRC) trong số các sản phẩm thép.
Lĩnh vực Phòng vệ thương mại
Báo VietNam+ đăng tải: "Rà soát cuối kỳ việc áp dụng chống bán phá giá sản phẩm đường mía Thái Lan"
Ngày 19/3, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo đã tiếp nhận hồ sơ rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Trước đó, ngày 15/06/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã vụ việc AD13.AS01).
Căn cứ Điều 62 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 10/2018/NĐ-CP) quy định chậm nhất 12 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hết hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Theo Tạp chí điện tử Vneconomy đăng tải thông tin: "Lo ngại xe đạp điện Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU"
Theo Phòng thông tin dữ liệu và cảnh báo, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong 10 nguồn cung ứng chính sản phẩm xe đạp điện sang thị trường EU.
Hiệp hội các Nhà sản xuất xe đạp châu Âu quan ngại về một doanh nghiệp của Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ của Việt Nam để lấn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của EU áp dụng đối với sản phẩm Trung Quốc...
Lĩnh vực Hội nhập kinh tế quốc tế
Báo Thời báo Tài chính Việt Nam đăng tải: "Tận dụng các FTA, mở cánh cửa ra thị trường quốc tế"
Theo khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) quý IV/2024 công bố gần đây, chỉ số BCI đạt 61,8 điểm - mức cao nhất trong hơn hai năm qua, phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” - quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực.
Chia sẻ với phóng viên, bà Phương Nguyễn - Đại diện khu vực Đông Nam Á của CCX Partners (đơn vị chuyên tư vấn về đầu tư và thương mại quốc tế) cho biết, theo Tờ Economist và nghiên cứu dài hạn của EIU’s Business Environment Rankings (BER) về xếp hạng môi trường kinh doanh, Việt Nam được dự báo tăng hạng thêm 1,7 điểm trong thang điểm 10 trong giai đoạn 2003 - 2028, mức tăng hạng cao nhất trong 81 quốc gia được nghiên cứu.
“Kết quả này không bất ngờ đối với các chuyên gia và tư vấn viên tại CCX Partners, vì chúng tôi nhận được các yêu cầu đầu tư và thâm nhập thị trường Việt Nam từ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế kể cả trong 2 năm suy thoái kinh tế vừa qua” - bà Phương Nguyễn nhấn mạnh. Theo bà, tại Đông Nam Á, Việt Nam là nước có số FTA nhiều thứ 2 sau Singapore. Với dư địa tăng trưởng GDP vẫn được dự báo ở mức 6 - 8%/năm trên nền tăng trưởng suốt 4 thập kỷ vừa qua, Việt Nam là một thị trường quan trọng trong chiến lược tăng trưởng và đa dạng đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế.