![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp ngày 24/5 |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh - cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án luật.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự thảo Luật trình lần này gồm 10 Chương và 121 điều, trong đó bổ sung thêm 01 chương mới (8 điều), 02 điều mới, gộp 7 điều thành 02 điều, bỏ 05 điều, bổ sung một số điểm, khoản.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương, có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và các thỏa thuận hợp tác song phương giữa các cơ quan cạnh tranh.
![]() |
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Thống nhất một cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7), nhiều ý kiến tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Một số ý kiến đề nghị không quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngoài các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế và hành vi cạnh tranh không lành mạnh, còn quy định về tố tụng cạnh tranh. Để có đủ cơ sở pháp lý thực hiện tố tụng cạnh tranh, cần quy định rõ ràng trong Luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cạnh tranh để duy trì một cơ quan cạnh tranh đảm bảo tính độc lập, được thành lập và có đủ thẩm quyền theo luật định, hoạt động tuân theo pháp luật. Nếu quy định cơ quan cạnh tranh chỉ là một tổ chức hành chính trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh (trực thuộc Bộ Công Thương) với Hội đồng cạnh tranh (do Chính phủ thành lập, các thành viên của Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm) và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh thì địa vị pháp lý và tính độc lập của cơ quan xử lý vụ việc cạnh tranh còn thấp hơn so với quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, khó bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội theo hướng bổ sung một chương (Chương VII) dự thảo Luật quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và chức danh pháp lý, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật.
Sau khi xem xét toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Việc quy định một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là rất cần thiết, là phương án phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Việc không quy định Cơ quan cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, một mặt, giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia có đầy đủ chức năng quyền hạn, chức danh pháp lý cũng như thẩm quyền để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập sẽ tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh, khắc phục những bất cập hiện nay.
Không bỏ toàn bộ các quy định về việc doanh nghiệp đi xin giấy miễn trừ
Về đề nghị bỏ toàn bộ các quy định về việc doanh nghiệp đi xin giấy miễn trừ do Bộ Công Thương (cơ quan quản lý cạnh tranh) cấp vì đây là thủ tục “xin cho”. Liên quan đến vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét, tự rà soát và ngăn chặn trước đối với các hành vi thỏa thuận có khả năng vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, đồng thời, có thể quy định các điều kiện, nghĩa vụ mà các bên dự định tham gia thỏa thuận phải thực hiện để giảm thiểu hoặc loại trừ các tác động hạn chế cạnh tranh mà vẫn đạt được các lợi ích kinh tế, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bổ sung phương pháp xác định thị phần của doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, việc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan chỉ căn cứ vào doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh cho thấy trong một số lĩnh vực như viễn thông, hàng không, vận tải biển, du lịch…, nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách doanh thu, doanh số trên thị trường liên quan. Do vậy, dự thảo Luật đã bổ sung phương pháp xác định thị phần của doanh nghiệp dựa theo số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào của doanh nghiệp. Cơ quan cạnh tranh căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan để lựa chọn áp dụng phương pháp tính thị phần phù hợp.