Thoái vốn mảng năng lượng, Gelex ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến trong Quý II
Năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (HOSE: GEX) đặt kế hoạch kinh doanh khả quan với doanh thu thuần hợp nhất 32.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.920 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 37% so với thực hiện 2023.
Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng tăng mạnh, vượt xa tốc độ tăng của doanh thu, đến từ khoản lợi nhuận tài chính phát sinh trong hoạt động thoái vốn khỏi mảng năng lượng của Gelex năm nay.
Việc thoái vốn khỏi các công ty năng lượng giúp Gelex đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2024. (Ảnh minh họa) |
Chẳng hạn mới đây, Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sembcorp Industries - Singapore) đã công bố hoàn tất việc mua lại phần lớn vốn góp tại 3 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất 196 MW từ Gelex.
Sembcorp Solar Việt Nam cũng sẽ tiếp tục mua lại 73% cổ phần tại một công ty con trong hệ thống của Gelex, theo chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp. Được biết, công ty con này đang sở hữu danh mục dự án thuỷ điện với tổng công suất 49 MW, dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm nay sau khi các cơ quan chức năng phê duyệt theo quy định.
Giá trị các thương vụ đều được giữ kín, tuy nhiên, trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự đoán 1.100 tỷ đồng là số tiền lãi ước đạt Gelex có thể sẽ thu về trong năm 2024. Các chuyên gia tin rằng việc thoái vốn ở phần lớn dự án nói trên có thể hoàn thành trong quý II này, giúp Gelex ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến.
Giữ quan điểm thận trọng, SSI Research dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của Gelex ở mức 2.300 tỷ đồng, tương đương tăng 67% so với năm trước, và cao hơn 20% kế hoạch mà doanh nghiệp công bố. Song, nếu tạm bỏ khoản lợi nhuận tài chính từ việc thoái vốn mảng năng lượng qua một bên, lợi nhuận trước thuế của Gelex sẽ tăng trưởng âm khoảng 4%, tức đạt trên dưới 1.340 tỷ đồng.
Cần nhấn mạnh, cũng không vì vậy mà SSI Research đánh giá các mảng kinh doanh cốt lõi khác của Gelex diễn biến kém tích cực trong năm 2024. Đối với mảng khu công nghiệp, Tổng công ty Viglacera (HOSE: VGC) - thành viên của Gelex dự kiến sẽ cho thuê khoảng 170ha đất công nghiệp, tương đương với tiến độ cho thuê của năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Viglacera đã cho thuê được 50ha đất và ghi nhận lợi nhuận trước thuế ước tính khoảng 645 tỷ đồng. Viglacera hiện có khoảng 900ha quỹ đất khu công nghiệp từ các dự án đã hoạt động. Doanh nghiệp đang lên kế hoạch triển khai Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng (quy mô 288 ha) tại tỉnh Khánh Hoà.
Ngoài ra, Viglacera cũng đang xin phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Khu công nghiệp Trấn Yên (quy mô 255ha trong giai đoạn 1) tại tỉnh Yên Bái và dự kiến sẽ xin phê duyệt 3 khu công nghiệp mới trong năm nay với tổng diện tích khoảng 1.000ha.
Thời gian tới, cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera - "ông trùm" đất đai công nghiệp của Gelex còn rất rộng mở (đang giữ 50,21% vốn điều lệ), khi Bộ Xây dựng có kế hoạch thoái vốn nốt 38,6% cổ phần trong giai đoạn 2024 - 2025. Tuy nhiên, đại diện Gelex từng nói họ chưa nghĩ tới chuyện gia tăng sở hữu tại đây mà ưu tiên tìm kiếm đối tác nước ngoài có chuyên môn và năng lực tài chính để đầu tư vào Viglacera.
Đối với mảng thiết bị điện, SSI Research kỳ vọng doanh thu mảng này của Gelex sẽ tăng 10% nhờ các hợp đồng cung cấp thiết bị cho đường dây truyền tải 500 kV mạch 3 đang được gấp rút triển khai.
Mảng vật liệu xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ ghi nhận các tín hiệu phục hồi tích cực vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Vậy nhưng, tổng lợi nhuận gộp của mảng này tính trong cả năm 2024 có thể sẽ giảm 14% so với năm 2023, còn 939 tỷ đồng, do kết quả kém khả quan trong nửa đầu năm và Nhà máy Kính nổi VIFG tiến hành bảo trì 10 năm/lần trong năm 2024, theo SSI Research.
Trên thị trường, cổ phiếu GEX hiện đứng ở mức 22.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt gần 19.000 tỷ đồng.