Thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật có thể bị trì hoãn do thuế ô tô
Hai nước đã nỗ lực ký kết một thỏa thuận thương mại có phạm vi hạn chế khi Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trong tuần này. Thay vào đó, hai bên có thể đưa ra tuyên bố chung và tiếp tục hoàn tất thỏa thuận trong những tuần tới.
Một điểm nghẽn chính hiện nay là việc chính quyền Tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh thuế đối với ô tô được nhập khẩu từ Nhật Bản. Các khoản thuế sẽ tương tự như các khoản thuế đã áp đặt đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu và các quốc gia khác.
Tổng thống Trump từ lâu đã nhìn thấy mối đe dọa của mình đối với thuế ô tô, chiếm hơn 1/3 hàng hóa mà Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ vào năm ngoái, như một nguồn cơn thúc đẩy Nhật Bản lên bàn đàm phán thương mại. Nhưng mối đe dọa đó - và chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump, cũng trở thành một trở ngại cho hiệp định thương mại song phương này. Nhật Bản đang tìm kiếm một cam kết chắc chắn từ chính quyền Mỹ về việc không đánh thuế ô tô Nhật Bản và đang cố gắng đưa vào điều khoản “hoàng hôn” (tức điều khoản rà soát cuối kỳ), trong hiệp định - và bất kỳ lợi ích nào mà thỏa thuận đã mang lại cho các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ - sẽ hết hạn nếu ông Trump tiếp tục mối đe dọa thuế ô tô.
Cả hai bên cũng đang tiến hành rà soát pháp lý về thỏa thuận để đảm bảo các điều khoản đã thỏa thuận không có tác dụng ngoài ý muốn. Sự bế tắc đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ và Nhật Bản có thể hoàn thành thỏa thuận trong những tuần tới hay không, đúng lúc để cơ quan lập pháp Nhật Bản xem xét thỏa thuận khi tiến hành phiên họp vào tháng tới.
Thỏa thuận trong tương lai với Nhật Bản sẽ giảm một số rào cản đối với xuất khẩu thịt bò, thịt lợn và lúa mì của Mỹ, giúp củng cố sự hỗ trợ chính trị cho ông Trump trong số những người nông dân Mỹ bị tổn thương nặng nề bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đổi lại, Mỹ sẽ bỏ các rào cản đối với máy móc và hóa chất của Nhật Bản và cả hai bên sẽ ký kết các tiêu chuẩn mới cho thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số khác.
Sau cuộc gặp với ông Abe tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu ở Pháp hồi tháng 8, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc. Về cơ bản, ngay mới đây, chính quyền Tổng thốngTrump đã gửi một thông báo tới Quốc hội rằng họ dự định tham gia vào một thỏa thuận với Nhật Bản trong vài tuần tới. Không giống như một hiệp định thương mại truyền thống, bao gồm gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, thỏa thuận với Nhật Bản sẽ bị giới hạn trong một vài lĩnh vực và sản phẩm. Nhưng nó sẽ là một nội dung có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với Tổng thống Mỹ, người đã đấu tranh để đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc và đã không thuyết phục được đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định NAFTA sửa đổi.
Hiệp định với Nhật Bản cũng có thể giúp làm dịu những người nông dân và chủ trang trại người Mỹ, những người đã phàn nàn về quyết định của ông Trump, nhằm đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại đa quốc gia bao gồm cả Nhật Bản. Ông Trump cho biết, ông có thể đảm bảo các điều khoản thương mại tốt hơn cho nông dân Mỹ thông qua các cuộc đàm phán song phương. Trong khi Nhật Bản ban đầu chống lại các yêu cầu của Trump về các cuộc đàm phán một đối một với một thỏa thuận thương mại, mối đe dọa về thuế quan ô tô đã đưa Nhật Bản đến bàn đàm phán để thảo luận về một thỏa thuận thương mại hạn chế hơn.
Chính quyền Tổng thống Trump xác định trong năm nay rằng, nhập khẩu ô tô là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, bằng cách làm xói mòn một cơ sở công nghiệp cũng cung cấp cho quân đội Mỹ. Quyết định này đã dọn đường cho Tổng thống Mỹ áp thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô nước ngoài, như đã thực hiện đối với nhập khẩu thép và nhôm, bao gồm cả từ Nhật Bản. Nhưng vào tháng 5, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ hoãn quyết định đó thêm sáu tháng nữa khi tiếp tục đàm phán các thỏa thuận thương mại với cả Nhật Bản và Liên minh châu Âu, hai nhà xuất khẩu ô tô lớn sang Mỹ. Một trong những ưu tiên chính của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán đã được đảm bảo rằng xe của họ sẽ không bị đánh thuế như vậy.
Daniel C. Sneider, một giảng viên nghiên cứu về Đông Á tại Đại học Stanford, cho biết, việc đưa một điều khoản vào thỏa thuận sẽ rút lại sự nhượng bộ của Nhật Bản đối với nông nghiệp nếu ông Trump quay trở lại vấn đề ô tô. Còn Masato Otaka, thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 23/9, cho biết hai bên đang tiếp tục làm việc để đạt được thỏa thuận. Đây là một vấn đề quan trọng đối với cả Nhật Bản và Mỹ, mục tiêu đã được đặt ra trước đó là ký thỏa thuận vào cuối tháng 9.