Thịt trâu “đóng mác” thịt bò lừa người tiêu dùng
Nhập thịt trâu, bán thịt bò Vừa qua, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành khảo sát tất cả các chợ, siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội. Theo kết quả khảo sát thì chỉ duy nhất siêu thị Metro có một quầy hàng nhỏ bán thịt trâu nhập khẩu. Câu hỏi đặt ra lúc này là lượng thịt trâu nhập khẩu đi đâu mất? Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Đội Công thương, Du lịch, Phòng An ninh kinh tế (PA 81), Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty Xuất nhập khẩu và Thương mại Tân Đại Dương. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 2.393 thùng chứa hơn 47,8 tấn thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, sau đó bán cho 14 doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo 389 Hà Nội thì các đầu ra không thấy điểm bán lưu thông. Cuối tháng 1-2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý vi phạm hành chính với Xí nghiệp Bắc Hà-chi nhánh Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội về hành vi làm giả. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện xí nghiệp này thu mua 12,6 tấn thịt trâu của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Bút (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), sau đó đã "biến" 117,5kg thịt trâu này thành thịt bò. Đơn vị này đã tự ý bóc nhãn thịt trâu nhập khẩu và dán phụ lục tiếng Việt là thịt bò vào sản phẩm. Thậm chí, công ty còn chỉnh sửa cả giấy chứng nhận kiểm dịch. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: Ở Việt Nam, thịt bò là loại thực phẩm được ưa chuộng và giá thành cũng cao. Trước nhu cầu thịt bò lớn, các đối tượng đã lợi dụng việc này để nhập thịt trâu từ Ấn Độ để "hô biến" thành thịt bò. Khi công ty nhập khẩu bán cho các công ty khác thì hóa đơn xuất hàng vẫn là thịt trâu. Nhưng từ công ty thứ hai chuyển đến các hộ tiêu thụ cụ thể như bếp ăn, cửa hàng bán buôn, bán lẻ thì phiếu xuất hàng lại là... thịt bò.
Thịt trâu giả thịt bò có thể được đưa ra chợ tạm, chợ cóc để tránh bị phát hiện. |
Được biết, giá thịt trâu nhập khẩu khoảng 40.000 đồng/kg. Giá công ty nhập khẩu bán cho công ty thứ hai khoảng 130.000 đồng/kg. Còn từ công ty thứ hai đến tay các hộ kinh doanh, bếp ăn... thì lên đến hơn 200.000 đồng/kg nếu được "đội lốt" thịt bò. Vì lợi nhuận, các công ty này đã lợi dụng thói quen tiêu dùng của người Việt Nam để dùng mọi thủ đoạn "biến" thịt trâu thành thịt bò. Đó là lý do hàng nghìn tấn thịt trâu nhập khẩu “mất hút” tại thị trường Việt Nam. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm Vừa qua, cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra bếp ăn thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Thiên Hà SHIDAX tại Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, bếp ăn của công ty đang cung cấp thức ăn cho cán bộ, công nhân viên của Công ty Canon Việt Nam (bếp ăn số 1) và phát hiện có sai phạm. Kiểm tra kho để nguyên vật liệu và thực phẩm đông lạnh của bếp ăn, tổ kiểm tra phát hiện 22kg thịt có mác thịt bò được nhập từ Xí nghiệp Bắc Hà. Sau khi lấy mẫu đi thử nghiệm, kết quả cho thấy thịt bò này không phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty này có hành vi mua hàng giả (thịt trâu giả thịt bò) để đưa vào chế biến. Kiểm tra bếp ăn tại Công ty Hoya Glass Disk do Công ty TNHH dịch vụ ăn uống Ba Sao cung cấp cũng có vi phạm tương tự. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng bắt giữ hơn 60kg thịt trâu đông lạnh được chở trên xe tải tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Tem của nhà phân phối và nhà nhập khẩu đều bị xé góc. Khi kiểm tra phiếu xuất hàng thì được biết đây là thịt trâu nhưng hỏi người đặt mua số thịt trâu trên thì họ cho biết có đặt mua... thịt bò để về làm cỗ cưới! Theo các cơ quan chức năng, thịt trâu giả thịt bò chủ yếu được đưa vào các khu công nghiệp phục vụ công nhân và đưa ra các điểm bán lẻ, chợ tạm, chợ cóc để tránh bị phát hiện. Một số lượng lớn được về các tỉnh lẻ để tiêu thụ cho các đám cưới. Điều mà các cơ quan chức năng lo lắng bởi thịt trâu có hạn sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản lạnh là -18 độ, song hầu hết các doanh nghiệp mua hàng đều không có kho lạnh đủ điều kiện bảo quản. Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết thêm: Thời gian tới, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ tiếp tục tổng rà soát các công ty nhập khẩu thịt trâu và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, theo dõi các công ty có tạm nhập tái xuất thật hay không. Việc nhập tiêu dùng trong nội địa phải công khai minh bạch, bán cho ai, bán gì phải có chứng từ. Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng sẽ phối hợp, mở rộng điều tra ngăn chặn tái diễn tình trạng trên..