Thiếu hụt nguồn cung, sản lượng cà phê xuất khẩu tiếp tục giảm
Ngày 10/8, giá cà phê tại thị trường nội địa quanh mức 121.000 đồng/kg, tăng tới 2,5 lần so với thời điểm này năm ngoái. Nông dân phấn khởi, nhưng ngược lại, doanh nghiệp lại lo lắng vì nguồn cung cà phê khan hiếm. Dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp tục làm ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng tỷ đô này.
Là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, nhưng tổng sản lượng xuất khẩu cà phê năm nay của Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự kiến sẽ thấp hơn năm trước khoảng 10% do thiếu hụt nguồn cung.
Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại |
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk - cho biết: "Trong những tháng vừa qua, giá tăng nhanh, mạnh trong thời gian ngắn cũng dẫn tới một số thời điểm đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số nhà cung ứng không thể gom kịp hàng và giao cho nhà xuất khẩu, nên nhà xuất khẩu cần phải mua lại bù cho các đơn hàng đó".
Niên vụ 2023-2024, diện tích trồng cà phê là hơn 709.000 ha. Sản lượng cà phê giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm qua, làm giảm mạnh nguồn cung cà phê trên thị trường thế giới.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - chia sẻ: "Chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang các cây khác quá lớn, nên thâm hụt sản lượng cà phê quá lớn. Nếu chúng ta tăng diện tích cà phê, đất ở đâu để tăng? Trồng xen canh vào sầu riêng thì trồng không được. Cà phê muốn xuất qua châu Âu không được trồng xen canh...".
Dự báo, sản lượng cà phê vụ tới sẽ giảm từ 15-20% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diện tích trồng cà phê không thể mở rộng thêm. Tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao sẽ tiếp diễn trong những năm tới.
Cà phê được giá, đi kèm với nguy cơ phát triển "nóng", bất chấp mở rộng diện tích trồng là việc từng xảy ra với nhiều loại cây trồng khác. Thực trạng này đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp ổn định.
Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai - nhận định: "Riêng Gia Lai, chúng tôi sẽ duy trì trên dưới 100.000ha cà phê. Những nơi không đảm bảo về nước tưới, về thổ nhưỡng, độ dày của đất, cây cà phê sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao thì đã bị loại thải".
Từ cuối năm nay, mặt hàng cà phê khi xuất khẩu sang thị trường lớn như EU sẽ phải chứng minh xuất xứ không gây phá rừng. Vì thế, đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao chất lượng là thách thức của ngành cà phê trong thời gian tới.
Giá cà phê Việt Nam đang ở mức tốt, nhưng theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong các tháng còn lại của quý III sẽ giảm do nguồn cung thấp. Đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, nguồn cung cà phê mới tăng trở lại. Nguồn hàng cà phê xuất khẩu đang trông chờ vào sản lượng và chất lượng của vụ thu hoạch mới.
Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,47 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm, giảm 20% so với niên vụ 2022-2023 (số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn). Sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi. Như vậy, nếu không tính lượng hàng tồn kho của năm trước chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 200.000 tấn để xuất khẩu từ nay đến tháng 9.
Ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tự nhiên, căng thẳng địa chính trị, và chi phí sản xuất tăng cao. Dù vậy, xu hướng tiêu thụ Robusta của thị trường thế giới, nguồn cung cà phê Robusta toàn cầu sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng liên tục trong những tháng đầu năm. Việt Nam - quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, được cho là được hưởng lợi từ xu hướng này.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Đặc biệt, đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê khác, khi mức thuế đã được đưa về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam, từ đó tăng cường kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Việt Nam hiện đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê hoà tan và các chiết suất từ cà phê (HS 2101) của Việt Nam vào EU trong 5 tháng đầu năm đã tăng đến 86% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 64,5 triệu EUR. Gấp đôi so với mức tăng trưởng 40% đạt 1 tỷ EUR của nhóm cà phê nhân (HS 0901). Mặc dù vậy, cà phê nhân (HS 0901) hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn khoảng 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU so với mức 6% của cà phê hoà tan và các chiết suất từ cà phê.
This browser does not support the video element.