Thị trường thực phẩm chức năng rất đa dạng.
CôngThương - Dạo quanh các cửa hàng thuốc trên một số tuyến phố của Hà Nội như Nghi Tàm, Yên Phụ, Láng Hạ, Nguyễn Khuyến… hỏi mua thực phẩm chức năng thì đều nhận được câu trả lời loại gì cũng có, nội ngoại đều sẵn, bán theo nhu cầu của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc - chủ cửa hàng thuốc ở Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết: “Sản phẩm thực phẩm chức năng nội, ngoại, hàng xách tay giờ nhiều vô kể, khách hàng cần loại gì cũng có, nhưng thực chất rất ít khách hàng biết cách sử dụng và bản chất của sản phẩm thực phẩm chức năng. Nhiều khi họ tin quảng cáo, tự ý mua theo quảng cáo, tờ rơi về uống mà không có sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng, không an toàn cho sức khỏe của chính mình. Nhiều khi tiền mất, tật mang”.
Người tiêu dùng rất khó phân biệt sản phẩm thực phẩm chức năng thật và giả. (Ảnh mang tính minh họa). |
Gần đây, theo phản ánh của ông Phạm Viết Bái ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, về việc ông nghi ngờ Công ty TNHH Thương mại Collagen Việt Nam, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng Glucosamine giả nhãn của hãng Schiff (Mỹ). Ông Bái cho biết, ông mua một hộp thuốc thực phẩm chức năng Glucosamine loại 100 viên của hãng Schiff để chữa đau xương khớp với giá 350.000 đồng/hộp. Khi về nhà đem ra sử dụng ông thấy không yên tâm và nghi ngờ là thuốc giả ở một số đặc điểm như: Khi bẻ đôi viên thuốc ra rất dễ, trong khi thuốc chính hãng thường rất rắn chắc khó bẻ gãy, bên trong thuốc toàn bộ là bột màu trắng trong khi nhãn mác ghi có 6 thành phần khác nhau.
Ở nắp hộp thuốc có dán 2 tem chống hàng giả độc quyền của Công ty TNHH Thương mại Collagen Việt Nam khi bóc ra rất dai, rứt mãi mới đứt vì có 1 lớp nilon kèm theo (Trong khi tem chống hàng giả của Bộ Công an làm bằng giấy, bóc ra thuận tiện và dễ rách). Trên tờ rơi giới thiệu về sản phẩm thực phẩm chức năng đính kèm theo hộp thuốc không ghi giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế và không có xuất xứ của nhà sản xuất mà chỉ ghi chung chung là xuất xứ Hoa Kỳ! Vào mạng tra tên thuốc trên website của hãng thì không thấy có tên sản phẩm này trong danh mục của hãng.
“Quá bất ngờ, tôi đã gọi điện liên hệ theo số điện thoại 0917834188 ghi trên tờ rơi, thì được trả lời đây chính là sản phẩm chính hãng dành riêng cho Việt Nam”, ông Bái cho biết.
Trước thông tin trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ theo số điện thoại nóng ghi trên tờ rơi thì số thuê bao này trong tình trạng tắt máy, không liên lạc được. Ngày 3/4, lần theo địa chỉ ghi trên tờ rơi giới thiệu thuốc, phóng viên tìm đến Công ty TNHH Thương mại Collagen Việt Nam tại địa chỉ 27 tập thể Yên Ngưu, thị trấn Văn Điển, Hà Nội. Vào số nhà 27, tập thể Yên Ngưu thì chị Phạm Thùy Dung, chủ nhà ngạc nhiên khi nghe phóng viên hỏi về Công ty TNHH Thương mại Collagen Việt Nam.
Chị khẳng định: “Nhà tôi chỉ bán hàng nước, không có công ty nào ở đây cả. Nếu có tờ rơi như thế chắc chỉ là mạo danh thôi”. Hỏi thêm một số người dân xung quanh, cũng không ai biết về sự tồn tại của công ty này.
Trao đổi với PV Báo CAND, anh Nguyễn Văn Cường, cán bộ phụ trách thương nghiệp, UBND thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: Trên địa bàn khu tập thể Yên Ngưu có hơn 10 doanh nghiệp nhưng không có tên công ty này. Công ty cũng không có trong danh sách quản lý của UBND thị trấn. Khả năng đây là một công ty “ma”, trốn thuế và đánh lừa người tiêu dùng.
Được quảng cáo với nhiều công dụng thần kỳ trong điều trị bệnh thoái hóa khớp xương, thực phẩm chức năng Glucosamine được không ít người tiêu dùng tìm mua. Trên thực tế loại thuốc này tràn vào Việt Nam theo con đường xách tay, không có xuất xứ, không được cơ quan nào kiểm duyệt, cấp phép đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Chỉ cần quảng cáo được nhập khẩu từ Mỹ kèm theo tờ rơi và hướng dẫn sử dụng, thì ngay lập tức một sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định chất lượng bỗng chốc trở thành “thần dược” đánh lừa người tiêu dùng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng còn có quá ít thông tin về sản phẩm. người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm chức năng chủ yếu là qua mạng và qua các kênh kinh doanh đa cấp lôi kéo nhiều người tham gia, tạo ra những kênh phân phối bát nháo, thậm chí lừa đảo.
Theo GS. TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Bệnh nhân thoái hóa khớp mà lại bị tiểu đường, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng Glucosamin, bởi vì nó có thể làm thay đổi mức độ đường trong cơ thể. Số lượng lớn Glucosamin cũng có thể tương tác với thuốc lợi tiểu và thuốc chống đông máu. Nếu đang dùng các loại thuốc này, hãy hỏi bác sĩ trước khi uống Glucosamin. Một số thực phẩm chức năng Glucosamine có nguồn gốc từ động vật có vỏ. Do đó, những người bị dị ứng với tôm, cua, sò, hến phải thận trọng và xác định nguồn gốc của TPCN mình định dùng.