Thị trường sữa năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng
2019 - Tiêu thụ tiếp tục ở mức yếu
Theo báo cáo về thị trường sữa vừa được SSI công bố thì năm 2019 mức tăng trưởng của ngành này chỉ dừng lại ở mức một con số khi tăng 0,5% về vốn hóa thị trường, thấp hơn so với mức tăng 7,7% của VN-Index.
Các doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, đường Quảng Ngãi… được cho là có mức tăng trưởng thấp so với năm 2018, kéo theo giá cổ phiếu của những đơn vị này không cao. Cụ thể, giá cổ phiếu VNM chỉ tăng 0,72% do tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 thấp, trong khi giá cổ phiếu QNS giảm 20,5% do áp lực bán liên tiếp của cổ đông nội bộ.
Nhìn toàn cảnh thị trường, theo Nielsen, lượng tiêu thụ sữa trên thị trường trong năm 2019 chỉ bắt đầu ổn định từ quý 2/2019, sau 6 quý giảm liên tiếp kể từ quý 4/2017. Tốc độ tăng trưởng lượng tiêu thụ mặc dù ở mức dương nhưng thấp. Trong số các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản phẩm từ sữa (chiếm 13% tổng sản lượng tiêu thụ hàng FMCG) là một trong những ngành hàng có mức tăng trưởng tiêu thụ kém nhất.
Các số liệu ước tính của Euromonitor cũng cho thấy, sữa bột chỉ tăng ở mức 2,1% còn sữa đặc là 2,7% so với năm 2018. Sữa công thức cho trẻ sơ sinh ít được ưa chuộng hơn, do chiến dịch quảng bá rộng rãi nuôi con bằng sữa mẹ. Trong khi đó, có rất nhiều lựa chọn thay thế cho trẻ lớn hơn, như sữa tươi hay các loại sữa hạt, ngũ cốc, cháo tươi, và các loại khác.
Giới kinh doanh sữa cho biết, thời gian qua xu hướng tiêu thụ sữa của người Việt đã có sự thay đổi khi sữa đậu nành và sữa lúa mạch được coi là lựa chọn thay thế tốt nhất cho sữa bò, nhờ hàm lượng protein cao. Các báo cáo nghiên cứu của Nielsen cũng cho thấy, tổng giá trị tiêu thụ sữa đậu nành có thương hiệu tăng 13% trong 10 tháng năm 2019 và tăng trưởng doanh thu của Vinasoy đạt 15% trong 9 tháng đầu năm 2019.
Triển vọng năm 2020 không khả quan
Đánh giá về tăng trưởng của ngành sữa trong năm 2020, các chuyên gia của SSI cho rằng, thị trường này vẫn chỉ giữ mức tăng trưởng một con số. Phân tích nguyên nhân, SSI chỉ ra, mức chi tiêu cho các mặt hàng FMCG của người tiêu dùng Việt Nam nói chung bắt đầu chững lại khi đã đáp ứng đủ các nhu cầu cơ bản. Thay vào đó, họ thường chuyển sang chi tiêu theo sở thích để thỏa mãn các nhu cầu cao hơn (như là ăn/uống bên ngoài) và chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu nhằm mục đích chung là nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với ngành sữa thì nhu cầu sữa ở thị trường thành thị dường như đã bão hòa, tiêu thụ ở thị trường nông thôn lại biến động lớn do tăng phụ thuộc vào giá mặt hàng nông nghiệp, tùy vào mức thu nhập khả dụng tại thị trường này quyết định mức chi tiêu cho các sản phẩm FMCG. Cũng theo SSI, nhu cầu về sữa công thức tiêu chuẩn và sữa đặc có thể tiếp tục ảm đạm trong năm 2020.
Với dự báo đó, SSI cho rằng, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2020 của các doanh nghiệp lớn trong ngành sữa sẽ giảm mạnh. Đơn cử như như Vinamilk sẽ giảm doanh thu, lợi nhuận lần lượt là 8,1% và 6,9% so với năm 2019.