Thị trường kinh tế và tài chính toàn cầu đối diện nhiều thách thức
Ngày 7/11, Ngân hàng Thanh toán quốc tế tổ chức Hội nghị Kinh tế toàn cầu tháng 11/2022 với sự tham gia của các Thống đốc và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương thành viên và Cơ quan Quản lý tiền tệ các quốc gia phát triển và mới nổi. Hội nghị do ông Jerome Powell - Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chủ trì. Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham dự theo hình thức trực tuyến và phát biểu tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương/Cơ quan Quản lý tiền tệ thành viên Ngân hàng Thanh toán quốc tế đã chia sẻ, cập nhật về những diễn biến trong kinh tế vĩ mô và tài chính gần đây của quốc gia và khu vực. Trong đó, nhấn mạnh vào ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn thị trường hàng hóa và những biện pháp chính sách của các Ngân hàng Trung ương.
Theo đó, triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục căng thẳng với điều kiện thị trường thắt chặt, thị trường năng lượng toàn cầu gián đoạn. Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí nhiều nơi đã lên đến mức cao nhất trong lịch sử do giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Đa số các Ngân hàng Trung ương tiếp tục các chính sách thắt chặt trong bối cảnh một số Chính phủ phải sử dụng các biện pháp tài khóa nhằm kiểm soát giá cả.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị Kinh tế toàn cầu tháng 11/2022 theo hình thức trực tuyến và phát biểu tại cuộc họp |
Thị trường bất động sản trầm lắng, đặc biệt ở Trung Quốc. Thị trường lao động tiếp tục khó khăn, mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Trong khi đó, gián đoạn thị trường lương thực, thực phẩm và năng lượng ảnh hưởng đến cả tổng cung và cầu.
Theo đánh giá của các Thống đốc, gián đoạn thị trường hàng hóa lần này, đặc biệt là thị trường năng lượng và thực phẩm, đã có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu, quy mô và mức độ tác động lớn hơn nhiều so với những lần tăng giá trước đây trong lịch sử, dẫn đến những biện pháp tài khóa mạnh mẽ hơn và đòi hỏi chính sách tiền tệ phải có những phản ứng phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà chia sẻ, trong 10 tháng đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm giảm thiểu tác động từ giá hàng hóa thế giới tăng cao tới lạm phát trong nước.
Đối với mặt hàng xăng dầu trong nước, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ giá như sử dụng hài hòa Quỹ Bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu, giảm thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ kiểm soát lạm phát. Đối với mặt hàng lương thực thực phẩm, sản xuất nông nghiệp trong nước trong điều kiện thời tiết từ đầu năm tương đối thuận lợi kết hợp với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đã đảm bảo nguồn cung dồi dào và hỗ trợ kiểm soát mức tăng giá của nhóm lương thực, thực phẩm không quá cao, từ đó giảm áp lực lạm phát từ nhóm lương thực, thực phẩm.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương đang đối mặt với nhiều thách thức đan xen như hiện nay, việc chỉ sử dụng riêng chính sách tiền tệ là không đủ mà cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, thận trọng, thích ứng linh hoạt với diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ và sự vận động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, đảm bảo thanh khoản và cung ứng đủ vốn cho phục hồi kinh tế, ổn định các thị trường tiền tệ, ngoại tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Thanh toán quốc tế - có trụ sở tại Basel, Thụy Sỹ - được thành lập từ năm 1930. Đây là tổ chức quốc tế của các Ngân hàng Trung ương có vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các Ngân hàng Trung ương và các cơ quan khác để ổn định tài chính và tiền tệ. Đến nay, Ngân hàng Thanh toán quốc tế có 63 thành viên. Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức này từ tháng 10/2020. |