Tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
CôngThương - Hàng loạt vi phạm
Ông Trương Quang Hoài Nam - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương - cho biết, việc sửa HSD, nhãn hàng hóa đang diễn ra khá phổ biến. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng (QLTT, công an) tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh, phát hiện hàng loạt vi phạm.
Trong tháng 6, Phòng Cảnh sát môi trường PC49 (Công an TP.Hà Nội) phối hợp với Chi cục QLTT thành phố khám xét kho hàng tại 143 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), phát hiện hơn 1.000 thùng bánh, kẹo nhập ngoại hết HSD, đang được dập lại hạn mới, dán đè tem nhãn phụ lên HSD gốc. Công cụ kéo dài “tuổi thọ” hàng hóa là 1 chiếc máy dập hạn mới, 5 chai dung dịch tẩy…
Tại kho của Công ty TNHH San Miguel Pure Food (Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hơn 5 tạ xúc xích đã quá HSD 10 ngày. Số xúc xích quá HSD nay được xếp lẫn với khoảng 3 tấn xúc xích còn HSD. Kiểm tra Công ty TNHH AN&D, phát hiện hơn 1 tấn chân giò muối không ghi ngày sản xuất mà chỉ đề HSD trong 90 ngày (?!).
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội), thường các chủ hàng viện lý do chưa tiêu hủy được hoặc tập kết hàng hết HSD để chờ tiêu hủy. Nhưng thực chất, đó chỉ là sự ngụy biện, lợi dụng sơ hở, nhiều chủ hàng sẵn sàng thay đổi HSD bán ra thị trường.
Xử lý nghiêm, làm “sạch” thị trường
Hàng hóa bị thay đổi nhãn mác, HSD phần lớn là hàng thực phẩm: Thịt động vật đông lạnh nhập khẩu, bánh kẹo, mứt trái cây, hương liệu chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất công nghiệp. Thủ đoạn phổ biến là thay đổi, tăng thời HSD cho sản phẩm bằng cách dán giấy in thời hạn mới chồng lên thời hạn cũ (quá HSD) trên bao bì.
Việc thay đổi HSD hàng hóa diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Theo quy định tại Điều 26, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, người có hành vi kinh doanh hàng hóa đã quá HSD ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời HSD trên nhãn hàng hóa… sẽ bị phạt tối đa là 30 triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc đình chỉ lưu thông, tiêu hủy hoặc thu hồi hàng hóa có nhãn hoặc bao bì sai phạm về thời HSD của hàng hóa đang lưu thông trên thị trường… Đối với vi phạm về thay đổi HSD, chủ sở hữu sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật, hàng hóa bị tiêu hủy.
Tuy nhiên, mức phạt trên còn thấp, chủ hàng sẽ “nhờn”, thậm chí tiếp tục vi phạm. Điều cần kíp là phải làm rõ nơi tiêu thụ những sản phẩm đã bị “biến chất”, đồng thời xác định có hay không sự đồng phạm của đại lý, cửahàng mua những sản phẩm này. Đặc biệt, phải tăng mức xử phạt, thậm chí có thể kiến nghị xử lý hình sự… đối với việc thay đổi HSD, nhãn mác hàng hóa.
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu các phương pháp kích cầu bị lợi dụng sẽ phản tác dụng. Lúc đó, đối tượng chịu thiệt trước tiên là người tiêu dùng, sau đó là chính sách kinh tế vĩ mô cũng sẽ bị ảnh hưởng. |