Báo Công Thương cập nhật nhanh nhất giá cả xăng dầu, giá nông sản, giá kim loại... giao dịch trên các Sở giao dịch hàng hóa thế giới liên thông với Việt Nam qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV).
Kim loại cơ bản tiếp tục chịu sức ép từ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 21/11, lực bán có xu hướng áp đảo trên thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc suy yếu trở lại với mức giảm 0,6% xuống còn 20,87 USD/ounce. Trong khi đó, bạch kim giằng co liên tục, và là mặt hàng duy nhất kết phiên trong sắc xanh với mức tăng 0,37% lên 987,9 USD/ounce.
Đồng Dollar Mỹ đã có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng mức đỉnh lãi suất có thể cao hơn kỳ vọng ở mức trên 5%, sau khi một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ những động thái cứng rắn. Bên cạnh đó, thị trường cũng hạn chế giao dịch các loại tiền tệ rủi ro khác trước các đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế. Đồng Dollar Mỹ tăng đã gây áp lực tới chi phí giao dịch kim loại, đặc biệt là với bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp, chuỗi giảm theo ngày dài nhất kể từ đợt lao dốc hồi tháng 6, chốt phiên tại mốc 3,57 USD/pound sau khi giảm 1,67%. Số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tiếp tục tăng, hiện đã ở trên mức 26.000, trong đó có thêm 2 ca tử vong tại Bắc Kinh và khiến quận đông dân nhất thủ đô phải đóng cửa trong ngày hôm qua. Điều này khiến kỳ vọng về sự nới lỏng chính sách kiểm dịch đang dần lung lay và do đó, tác động tiêu cực tới giá kim loại cơ bản. Tồn kho đồng bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại do nhu cầu yếu và nguồn cung từ các mỏ tăng. Giới chuyên gia cho rằng giá đồng trong năm tới sẽ gặp áp lực khi sản lượng khai thác tăng vọt khoảng 8% lên 24 triệu tấn so với mức tăng chỉ 1,8% trong năm nay.
Tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc cũng kéo giá quặng sắt suy yếu với mức giảm 3,34% xuống 95,31 USD/tấn. Thiếc LME giảm mạnh 6,64% xuống 21.159 USD/tấn khi các nhà phân tích của Citi Group cho rằng giá thiếc sẽ giảm xuống còn 18.000 USD/tấn vào quý I năm sau do sản lượng phục hồi và tiêu thụ chậm lại.
Giá dầu thô giằng co mạnh trước một loạt các tin tức về nguồn cung của OPEC+ và Nga
Thị trường dầu thô trải qua một phiên giao dịch biến động rất mạnh, tuy nhiên kết thúc phiên, giá không thay đổi quá nhiều so với mức tham chiếu cuối tuần trước. Đóng cửa, giá dầu thô WTI giảm nhẹ 0,09% về 80,04 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,19% còn 87,45 USD/thùng.
Giá của cả hai mặt hàng dầu thô có lúc giảm tới hơn 5 USD/thùng trong phiên, sau khi tờ báo The Wall Street Journal đưa tin về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang cân nhắc việc tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Thị trường đã phản ứng mạnh mẽ với tin tức này bằng một lực bán mạnh, bởi tin tức này hoàn toàn “đảo ngược” lại quyết định cắt giảm sản lượng của nhóm vào tháng trước.
Tuy nhiên, sau đó giá hồi phục mạnh mẽ trở lại, khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã phủ nhận thông tin này và tái khẳng định rằng OPEC) sẽ kiên trì với việc cắt giảm sản lượng. Ông cũng nhấn mạnh rằng nhóm sẽ duy trì cắt giảm 2 triệu thùng/ngày tới cuối năm 2023.
Bên cạnh các động thái của OPEC+, thị trường cũng rất quan tâm tới tình hình nguồn cung từ Nga, bởi chỉ còn một tuần nữa các lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu thô của Nga sẽ có hiệu lực. Và mới đây, Nga cũng đã đáp trả rằng họ sẽ không cung cấp dầu thô và các sản phẩm lọc dầu cho các quốc gia thực hiện áp giá trần, thay vào đó, Nga sẽ tìm kiếm các đối tác khác hoặc tiến hành cắt giảm sản lượng.
Động thái này càng làm trầm trọng thêm những lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu, và càng củng cố thêm sức mua hồi phục vào cuối phiên, giúp cho giá dầu WTI có thể trụ lại ở mức 80 USD/thùng.
Hiện tổng khối lượng dầu từ Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong chín tuần là 2,67 triệu thùng/ ngày trong bảy ngày tính đến ngày 18/11. Sự sụt giảm liên tục đã góp phần khiến doanh thu đến từ dầu mỏ hàng tuần của Điện Kremlin mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1. Trái lại, lượng dầu thô trên các tàu hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với với số lượng dầu trên các tàu chưa cho thấy điểm đến cuối cùng, đã tăng lên mức kỷ lục 2,45 triệu thùng/ngày.
Giá xăng trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm
Trên thị trường nội địa, chiều hôm qua 21/11, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, xăng RON 95-III giảm 80 đồng, về 23.780 đồng một lít; E5 RON 92 giảm 40 đồng xuống 22.670 đồng một lít. Cùng với điều chỉnh giá, nhà điều hành cũng trích lập mỗi lít xăng RON 95-III là 200 đồng một lít, tăng mức trích lập với E5 RON 92 lên 250 đồng một lít.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 13 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Trừ dầu mazut tăng 20 đồng lên 14.780 đồng một kg, các mặt hàng dầu khác đều giảm. Dầu diesel giảm 180 đồng, về 24.800 đồng một lít; dầu hoả giảm 100 đồng xuống mức giá mới là 24.640 đồng. Dầu hỏa và diesel tiếp tục không trích vào quỹ ở kỳ điều hành này. Còn dầu mazut có mức trích quỹ là 300 đồng một kg.