Thị trường du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Cơ hội lấy lại đà tăng trưởng
Nhiều ưu đãi, giảm giá hấp dẫn
Năm nay, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 4 ngày, là dịp thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch, điểm đến thu hút khách, tăng doanh thu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt ở trong nước. Để đón đầu mùa du lịch này, từ đầu tháng 3-2021, các hãng hàng không và nhiều đơn vị lữ hành đã giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý của du khách.
Các tour du lịch biển đang được du khách lựa chọn nhiều nhất trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Trong ảnh: Tuyến cáp treo vượt biển Hòn Thơm xuất phát từ ga An Thới và kết thúc ở Hòn Thơm (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Quỳnh Danh |
Bên cạnh một số chặng bay có mức giá “nóng” lên hằng ngày, như chặng từ Hà Nội đi Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines cũng dành những suất vé giá rẻ ở một số chặng bay: Hà Nội đi Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Đà Nẵng với mức dưới 1 triệu đồng/chặng; Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2 triệu đồng/chặng.
Ở góc độ lữ hành, Công ty Du lịch Vietravel tung ra nhiều gói du lịch nghỉ dưỡng, khám phá có giá “chạm sàn” chỉ từ 699 nghìn đồng; tour Đà Nẵng - Hà Nội - Hà Giang 4 ngày, 3 đêm có giá 5,39 triệu đồng/khách. Công ty Du lịch VietSense giới thiệu các tour xuất phát từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Nẵng - Hội An (tỉnh Quảng Nam), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Mộc Châu (tỉnh Sơn La)… có giá ưu đãi giảm từ 10% đến 25%. Công ty Du lịch Flamingo Redtours giới thiệu tour nội địa đường bộ có giá chỉ từ 1,69 triệu đồng/người, tour đường hàng không có giá từ 8,29 triệu đồng/người.
Đánh giá về hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, tính đến cuối tháng 3-2021, hơn 50% trong tổng số 15.000 vé máy bay mà Công ty Du lịch Vietravel dành để phục vụ khách trong dịp nghỉ lễ đã được bán ra.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng thông tin, lượng khách gọi điện đến hoặc đặt qua mạng khá nhiều, tăng từ 50% đến 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, lượng khách đặt mua tour còn tăng trong những ngày tới. Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour Nguyễn Thị Huyền nhận định, số lượng khách đoàn tăng cao và yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng tăng.
Còn Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài thông tin, các tuyến du lịch biển, như Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)… vẫn được du khách lựa chọn nhiều nhất. Bên cạnh đó, các tuyến đi cung Đông - Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Tây cũng được nhiều người tìm hiểu thông tin.
Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch caravan khám phá Tây Bắc của Câu lạc bộ VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội). |
Theo nhận định của các đơn vị lữ hành, do chịu tác động của dịch Covid-19, nên tâm lý du khách không đặt tour sớm, thường sát ngày mới đăng ký, bởi thế hoạt động du lịch kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và xa hơn là du lịch mùa hè có thể còn nhiều thay đổi. Nhiều xu hướng du lịch mới như du lịch tự túc, đi theo nhóm nhỏ, gia đình hay xu hướng du lịch caravan (tự lái xe) sẽ “lên ngôi”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, đợt kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sẽ là “đòn bẩy” để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành Du lịch trong năm nay. “Tâm lý du khách muốn đi du lịch trở lại thấy rõ. Các đơn vị cần đẩy mạnh chương trình kích cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính trải nghiệm cho sản phẩm để thu hút khách nhiều hơn, lấy đà tăng trưởng cho đợt du lịch hè và các tháng còn lại trong năm”, ông Vũ Thế Bình nói.
Hoạt động du lịch trên cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang cho thấy sự nhộn nhịp, sôi động trở lại với rất nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá, thu hút du khách. Đáng chú ý là Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021 diễn ra từ ngày 16 đến 18-4 tới; Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 vào ngày 20-4 tại tỉnh Ninh Bình; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2021 diễn ra vào tháng 5…
Để giữ vững sự ổn định thị trường du lịch nội địa sau các đợt kích cầu, tiến tới chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, bên cạnh việc tăng cường khâu quảng bá, xây dựng sản phẩm mới, các đơn vị du lịch cần chú trọng đến việc đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch, thu hút trở lại lực lượng lao động đã nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Còn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lưu ý, các địa phương, đơn vị doanh nghiệp du lịch cần đề cao việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động, tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo khuyến cáo và yêu cầu của Bộ Y tế cũng như của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
“Du lịch là ngành chịu tác động dễ nhìn thấy nhất, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ cần xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng, lập tức hoạt động du lịch bị ngưng trệ, vì thế yêu cầu phòng, chống dịch phải được quan tâm hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.