Bộ GD&ĐT nói gì về kiến nghị để địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lo ‘sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng’ khi đối thoại |
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông tin sẽ thí điểm triển khai học bạ điện tử nhằm giảm thủ tục hành chính và áp lực cho giáo viên và các nhà trường.
TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, bộ đã có thông tư khuyến khích các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.
Các trường học, địa phương cũng đã bắt tay triển khai, thậm chí có những nơi đã triển khai trong phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các trường khác tỉnh không đồng nhất.
“Học bạ điện tử là một dạng điện tử của học bạ, có chữ ký xác thực của người và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý và có thể sử dụng như học bạ giấy và sử dụng trên môi trường số. Nếu làm được học bạ điện tử sẽ mang lại lợi ích xã hội, cho nhà trường, giáo viên, học sinh rất lớn” – ông Hải nói.
Triển khai học bạ điện tử có nhiều mặt thuận lợi (Ảnh minh hoạ) |
Chính vì thế, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các vụ, cục phải thí điểm triển khai việc này. Mô hình trên toàn quốc và sau đó đánh giá chính xác kết quả mô hình sẽ có hướng dẫn, thể chế để thực hiện. Hiện nay, các vụ, cục của bộ đang trong quá trình thực hiện.
Ông Hải lấy dẫn chứng thuận tiện trong việc lưu trữ, quản lý và sử dụng học bạ ở các nhà trường. Thứ nhất, hiện nay, học bạ của chúng ta là giấy và có thể nhàu nát, để lâu có thể bị mối mọt, thậm chí bị hỏng. Nhưng học bạ điện tử công tác lưu trữ rất tốt.
Thứ hai, là giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và nhà trường. Bộ cũng sẽ nghiên cứu để tái cấu trúc, quy trình học bạ điện tử để làm sao cho đảm bảo yêu cầu nhưng đơn giản.
Ví dụ, hiện nay học bạ khối trung học, giáo viên bộ môn phải ký. Việc này sau này chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu xem có cần thiết giáo viên bộ môn phải ký vào học bạ, hay chỉ cần hiệu trưởng nhà trường ký là được.
Thứ ba, minh bạch hóa quá trình quản lý kết quả học tập, rèn luyện và đặc biệt hạn chế các bất cập về sửa kết quả học tập học sinh.
"Giải pháp học bạ điện tử sẽ hạn chế tối đa việc đó. Khi chúng ta minh bạch việc sửa sẽ rất khó, từ đó hạn chế tác động tiêu cực đang gặp phải hiện nay khi sử dụng học bạ giấy" - ông Hải nói.
Thông tin trên đã khiến nhiều thầy cô giáo quan tâm, cho rằng điều này là cần thiết và có nhiều điểm thuận tiện.
Theo cô Nguyễn Thị An, giáo viên Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội, học bạ giấy đã lạc hậu, nên thay thế bằng học bạ điện tử là hợp lý.
"Trường tôi dạy mấy năm nay học bạ đã in từ phần mềm xuống không còn viết tay nữa, chỉ còn mục ký tên là chưa số hóa. Tôi thấy làm học bạ điện tử là hợp lý và tiện lợi cho giáo viên cũng như học sinh. Điều này thể hiện ở việc quản lý tập trung, tránh được gian lận điểm. Vì việc sửa điểm còn lưu vết nên không ai muốn sửa điểm” - cô An chia sẻ.
Theo cô An, việc học bạ điện tử sẽ khả thi. Với giáo viên ở khu vực Hà Nội thì không gặp khó gì trong việc triển khai nhưng với giáo viên vùng sâu, vùng xa thì lúc đầu có thể khó khăn vì phải sử dụng phần mềm là không tránh khỏi. Nhiều thầy cô có mỗi một tài khoản với mật khẩu thôi mà cũng quên. Tuy nhiên, giáo viên dùng một thời gian sẽ quen.
Cùng quan điểm, một giáo viên Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, sổ điểm điện tử đang thực hiện và có những thuận tiện. Với sổ điện tử, nếu học sinh cần thì giáo viên có thể xuất sang định dạng pdf và in luôn, giáo viên cũng nhàn hơn trong việc tổng kết và làm điểm.
Nhiều giáo viên cho rằng, mặc dù có thêm việc sẽ tăng thêm áp lực cho giáo viên, song nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm làm và chuyển được sang học bạ điện tử thì việc quản lí dễ dàng hơn, giáo viên, phụ huynh sử dụng cũng tiện lợi hơn.