Ngày 31/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết, năm học 2019 - 2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức hai đợt thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa tổ chức thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương, 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Thí sinh thi hai môn bắt buộc Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.
Ông Chương cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến thay đổi cách tính điểm xét tốt nghiệp, theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập (học bạ) của học sinh ở lớp 10, 11 và 12 lên 50%.
Các năm trước, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm các môn thi tốt nghiệp THPT. Đạt từ 5 trở lên, thí sinh đỗ tốt nghiệp. Tỷ lệ đỗ trong 5 năm qua đều đạt 98,3 - 99,4%. Theo ông Chương, thay đổi nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, năm nay, cả xã hội quan tâm hơn rất nhiều tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, giáo viên, phụ huynh, cả xã hội chờ đợi. Vì vậy, yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025, với yêu cầu tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh.