Theo chân những người lội sóng, bám đá săn “lộc biển”
Thứ họ hái là rong mứt, người địa phương gọi là “lộc biển”, mà theo dân gian từng là đặc sản người xưa dùng để tiến vua. Rong mứt nằm trên những phiến đá lởm chởm, trơn trượt, khó lấy nhưng vì mang lại thu nhập cao, nên vào mùa rong mứt, người dân Nam Ô lại từng đoàn, từng đoàn mang theo “đồ nghề” để đi hái lộc.
Những tháng cuối năm, người dân làng chài Nam Ô (TP Đà Nẵng) lại cầm theo vợt lưới đi “săn lộc biển” |
Anh Nguyễn Hữu Thuận (người dân làng Nam Ô) cho biết, dụng cụ để hái rong biển rất đơn giản, chân phải mang tất, đi dép cao su, có đế gân lỗ chống trơn trượt, tay mang găng để bám đá, cầm vượt lưới, và miếng nhôm thiếc cào rong là có thể hành nghề.
“Những bãi đá này rất trơn, lởm chởm, gồ ghề nên người hái rong phải thật cẩn thận nếu không rất dễ bị ngã. Nhiều lần tôi bị sóng đánh ngã dúi bụi, có lần nhìn người ta ngã gãy chân, mình cũng lo. Nhưng việc này có thu nhập cao, mà làm theo vụ, nên cứ đến mùa rong mình lại đi khai thác. Những người dân ở đây đều là lao động tay chân, kiếm thêm đồng nào hay đồng đó.”, anh Thuận cho biết.
Bà Trần Thị Nga (người dân làng Nam Ô) vừa miết đồ nghề vào những phiến đá để khai thác rong mứt vừa thong thả cho biết, dân làng đã theo nghề này được mấy chục năm, vụ mùa thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán, để hái được rong phải chọn giờ nước rút, có khi phải dậy từ 1h sáng hái đến 10h trưa. Vào thời điểm nhiều rau mứt, có người đi hái rong mứt mỗi ngày có thể kiếm được bạc triệu.
“Mùa này, giá mứt tươi khoảng 120 nghìn đồng/kg, phơi khô thì có giá khoảng 1,2 triệu đồng/kg. Nhiều thương lái đến mua nhưng số lượng không thể cung ứng đủ. Đầu mùa, có người hái một ngày được 10-15 kg, kiếm được tiền triệu, người già như tôi mỗi ngày bỏ ra 4-5 tiếng bám đá hái rong, cũng kiếm được 300-400 nghìn đồng.”, bà Nga chia sẻ.
Rong mứt là loại rong biển mọc trên đá vào mùa biển động, người dân Nam Ô tranh thủ thu hoạch nhằm kiếm thêm thu nhập |
Càng gần Tết Nguyên đán cũng là thời điểm cuối vụ, càng ít người ra ghềnh đá hái rong. Lúc này thời tiết không thuận, rong biển chỉ còn những sợi nhỏ, và phải ra những ghềnh đá ở xa, vùng nước sâu mới có rong để khai thác. Dù vậy, cũng vẫn sẽ có hơn chục người, chủ yếu là phụ nữ trung niên, đôi khi có thêm vài người thanh niên đi khai thác để kiếm thêm chút tiền.
Rong mứt Nam Ô tươi có thể chế biến các món ăn ngon, thanh đạm, tốt cho sức khỏe nên rất hút khách đến mua. Theo người dân, khách hàng chủ yếu là người địa phương, chùa chiền, các cơ sở đồ chay hoặc vài khách hàng từ Huế hoặc Quảng Nam.
Đợt dịch vừa qua, nghề hái “lộc biển” đã giúp người dân vượt qua phần nào khó khăn. Theo bà Huỳnh Thị Thà, (người dân làng chài Nam Ô) cho biết, trong giai đoạn dịch Covid – 19 hồi tháng 9, 10/2020, khi nhiều lao động của đời sống người dân làng chài gặp khó, thì việc khai thác rong mứt đã giúp nhiều người có thêm thu nhập.
“Nhờ rong mứt mà đời dân chúng tôi cũng bớt được phần khó, nằm tại vùng dịch, công việc ra khơi ảnh hưởng, may mắn vào những ngày cuối năm, rong mứt nhiều, có thể kiếm thềm phần nào thu nhập. Những ngày hái được nhiều rong mứt, chúng tôi có thể bán hoặc để ăn.” bà Thà chia sẻ.
Từ khai thác rong biển, dù cuối vụ, người dân Nam Ô cũng có thể kiếm thêm thu nhập được 300 nghìn đồng mỗi ngày |
Nổi tiếng với những ghềnh đá đẹp, cùng những di sản văn hóa, đặc biệt là nghề làm nước mắm Nam Ô đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, TP. Đà Nẵng đang hướng đến khai thác du lịch trải nghiệm kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa, nghề hái “lộc biển” ngoài tạo thêm sinh kế cho người dân, vừa có thể trở thành một sản phẩm trải nghiệm cho du khách.