Thêm “trợ lực” để phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Nguồn dược liệu phong phú
Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều khu vực là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm. Trong số các loài thực vật bậc cao đã được biết ở Việt Nam, có 5.117 loài và dưới loài sử dụng làm thuốc.
Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao sinh sống trong rừng tự nhiên, như: Sâm Ngọc Linh, sâm Vũ Diệp (tam thất hoang), bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, lan kim tuyến...
Trên thực tế, hiện nay việc trồng cây dược liệu đã và đang đem lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Điển hình như xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) với mô hình trồng cây thảo quả, diện tích hơn 80 ha cho thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/ha/năm. Tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, cây sơn tra và sa nhân cho thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng/ha/năm.
Hay như Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và dược liệu Yên Bái chế biến sâu cà gai leo thành cao, trà và bột mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại bốn xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình với diện tích hơn 10 ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 80 tấn, doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng…
Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng cà gai leo cho thu nhập cao tại Yên Bái |
Dù đạt hiệu quả kinh tế bước đầu, xong việc phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa còn những hạn chế do thiếu giống tốt có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh gây hại; nguồn tài nguyên dược liệu ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác không bền vững trong thời gian dài và do chất lượng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng sản xuất suy giảm tại một số vùng.
Diện tích rừng có chất lượng tốt, phù hợp để phát triển dược liệu chủ yếu tập trung ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Hơn nữa, diện tích trồng dược liệu mặc dù đã tăng trong thời gian qua (trừ cây quế, hồi) nhưng việc phát triển, gây trồng còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ, chưa có quy hoạch dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng thấp.
Bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu. Phần lớn cây dược liệu dưới tán rừng được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu bán cho thương lái; phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu hiện do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như cơ chế, chính sách để liên doanh, liên kết sản xuất vùng nguyên liệu; kết cấu hạ tầng giao thông ở vùng trồng chưa hoàn thiện… dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án trồng, phát triển cây dược liệu.
Nhiều giải pháp phát triển ngành dược liệu trong nước
Hiện nay, cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là một lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trồng các loài dược liệu dưới tán rừng. Theo thống kê, nhu cầu sử dụng dược liệu của các cơ sở sản xuất trong nước mỗi năm ước tính khoảng 60 đến 80 nghìn tấn, phần lớn được sử dụng cho sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm.
Vì vậy, để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp để gây trồng, phát triển; song lưu ý không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản.
Cùng với đó, cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất.
Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tới 1 tỷ đồng/dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi |
Mặt khác, trên cơ sở định hướng về quy hoạch, các địa phương cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp... từ đó xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ; hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, khai thác một số loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế dưới tán rừng theo hướng phát triển bền vững; thực hiện việc trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu theo tiêu chuẩn nhằm bảo đảm chất lượng nguyên liệu; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý; đa dạng hóa hình thức tổ chức sản xuất như liên kết người dân với doanh nghiệp; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển cây dược liệu…
Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thông tư quy định rõ nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đó, Thông tư quy định mức chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gồm: Chi mua sắm trang thiết bị duy trì hoạt động thường xuyên trong hàng rào dự án. Mức hỗ trợ theo Quyết định của cấp có thẩm quyền trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng/người lao động.
Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: Hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: Mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu.
Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án.
Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 126 triệu đồng/ha.
Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc, và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028. Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. |