Thêm động thái quyết liệt của Chính phủ trong quản lý phế liệu nhập khẩu
Đây được xem là bước đi quyết liệt tiếp theo của Chính phủ trong nỗ lực quản lý chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vốn đã và đang rất “nóng” trong thời gian vừa qua.
“Việc phối hợp phải bảo đảm chặt chẽ hiệu quả; phân công cụ thể trách nhiệm phối hợp của các Bộ và UBND trong công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu” - Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 về việc ban hành quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu yêu cầu.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ quyết liệt hơn trong công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu (Ảnh minh hoạ)) |
Cũng theo nội dung quyết định này, hoạt động phối hợp phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, UBND, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trong trường hợp phát sinh các vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì và các đơn vị khác phối hợp và khi phát sinh vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ chủ trì xử lý.
Về nội dung phối hợp, quyết định của Thủ tướng nêu rõ, các bộ, UBND sẽ phối hợp quán triệt, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về những quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách mới liên quan trực tiếp đến công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc lĩnh vực của đơn vị mình quản lý. Phối hợp trong công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Ngoài ra, các bộ, UBND cũng sẽ phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động nhập khẩu phế liệu khi cần thiết. Phối hợp, trao đổi về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, phục vụ công tác xác minh, điều tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Phối hợp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu phế liệu…
Các bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm định hàng hóa là phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, kết luận kiểm tra, kiểm định của mình có liên quan đến mặt hàng này trong quá trình phối hợp. Thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu và quy định tại Quy chế này và kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề, vướng mắc phát sinh.
Trước đó, từ đầu năm 2017, câu chuyện về hàng chục nghìn container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển đã làm “nóng” dư luận bởi ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cảng và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đáng lo ngại hơn, trong số hàng chục nghìn container phế liệu tồn đọng đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều container nhập khẩu vi phạm các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về môi trường.
Để ngăn chặn hành vi XNK phế liệu trái quy định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo và những giải pháp giải phóng các container tồn động và siết chặt quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Điển hình như Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động NK và sử dụng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có quy định buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng NK phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam; các văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam; các điều kiện liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan mới đây cho biết, hiện tại các cảng, cụm cảng đang tồn đọng khoảng 10 nghìn container được khai báo là phế liệu và hàng đã qua sử dụng nhập khẩu. Dù đã giảm trên 50% so với số liệu thống kê từ đầu năm 2019 là khoảng gần 24.000 container, song với con số container tồn đọng rất lớn này vẫn đang gây ra tình trạng nghẽn cảng và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.