Thay đổi mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Về căn cứ pháp lý, trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, nhằm duy trì tính ổn định thực hiện chế độ BHXH, Điều 4 và Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm TNLĐ-BNN bắt buộc quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) hàng tháng đóng mức 1% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN; từ ngày 01/01/2018 trở đi, Chính phủ quyết định mức đóng thấp hơn 1%.
Việc thay đổi mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm duy trì tính ổn định thực hiện chế độ BHXH. Ảnh minh hoạ |
Còn tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2017/NĐ-CP, trong đó quy định NSDLĐ hàng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Đồng thời, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 44/2017/NĐ-CP giao Chính phủ căn cứ vào khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN để xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN từ ngày 01/01/2020.
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất theo phương án trong giai đoạn hiện nay, để khuyến khích các doanh nghiệp giảm thiểu TNLĐ-BNN cho người lao động thì sẽ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, không phân biệt ngành nghề. Doanh nghiệp càng làm tốt công tác ATVSLĐ và giảm được nhiều TNLĐ-BNN thì sẽ càng được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ - BNN. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH dự thảo Nghị định với bố cục và các nội dung cơ bản như sau:
Mức đóng bảo hiểm TNLĐ - BNN được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và do NSDLĐ đóng. Đối với người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN căn cứ vào mức tiền lương đóng BHXH. Đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH mức tiền lương đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN căn cứ vào mức lương cơ sở. (1)
Theo dự thảo mới này, NSDLĐ trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (hành chính sự nghiệp) hằng tháng đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. (2)
NSDLĐ hằng tháng đóng 0,7% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trừ các trường hợp (2) và các trường hợp (3), (4) sau:
NSDLĐ hằng tháng đóng 0,5% trên quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và ATVSLĐ trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng trung thực, chính xác và đầy đủ mẫu biểu, đúng nội dung và thời gian theo quy định; không có vi phạm về ATVSLĐ trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng; giảm 50% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm liền kề năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 3 năm liền kề tính từ năm trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN hoặc giảm 75% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm liền kề năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 3 năm liền kề tính từ năm trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp còn lại; chi phí thực hiện kế hoạch ATVSLĐ bình quân trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng bằng ít nhất 0,3% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động; đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018. (3)
NSDLĐ hằng tháng đóng 0,3% trên quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và ATVSLĐ trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng trung thực, chính xác và đầy đủ mẫu biểu, đúng nội dung và thời gian theo quy định; không có vi phạm về ATVSLĐ trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng; giảm 75% tần suất tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ năm liền kề năm đề xuất điều chỉnh so với tần suất tai nạn lao động trung bình 3 năm liền kề tính từ năm trước năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ-BNN hoặc không để xảy ra tai nạn lao động (bao gồm cả các trường hợp bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở) tính từ 3 năm liền kề năm đề xuất điều chỉnh đối với doanh nghiệp còn lại; chi phí thực hiện kế hoạch ATVSLĐ bình quân trong 3 năm liền kề trước thời điểm đề xuất điều chỉnh mức đóng bằng ít nhất 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động; đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018. (4)
NSDLĐ thuộc trường hợp (2, 3) nêu trên hằng tháng đóng 1% trên quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động nếu bị phát hiện khai báo gian dối, làm giả hồ sơ đánh giá về ATVSLĐ theo kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cũng theo dự thảo, NSDLĐ là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định trên (trừ trường hợp (1) nêu trên); phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN này từ ngày 1/1/2025.