Chiều ngày 28/5/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam (PCCC & CNCH) đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC & CNCH” với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối hơn 50 doanh nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC & CNCH trên cả nước.
Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất trong lĩnh vực PCCC & CNCH có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, một trong các chức năng quan trọng của Hiệp hội là hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về chính sách pháp luật, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện thiết bị PCCC và CNCH tại Việt Nam nói chung.
Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC và CNCH phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thu Hường) |
Mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước để đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Luật Phòng cháy, chữa cháy cũng như các nghị định, thông tư liên quan, Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo để tiến hành tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên về các khó khăn, vướng mắc cũng như các kiến nghị để đề xuất Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật và chính sách hiện nay nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hoạt động sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC & CNCH.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội PCCC & CNCH Việt Nam cho biết: Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp duy nhất trong lĩnh vực PCCC và CNCH, đi vào hoạt động từ năm 2022, thời gian qua Hiệp hội đã quan tâm, trăn trở tìm cách tập hợp các ý kiến, đề xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến các cơ chế, chính sách về phòng cháy chữa cháy, các vấn đề như: Thuế, chính sách xuất nhập khẩu...
Đặc biệt, thời gian qua Hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ các vấn đề như: Xã hội hóa triệt để công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đội PCCC và CNCH; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH trong nước, góp phần nâng cao chất lượng phương tiện, thiết bị cũng như nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu về phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH của xã hội.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, một số khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH trong nước như: Chưa có chính sách ưu đãi thuế tổng thể và có hệ thống cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị phục vụ, các vấn đề về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
"Trên thực tế, thuế suất nhập khẩu của nhiều nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH đang cao hơn thuế suất nhập khẩu của phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH cho sản phẩm cùng loại" - ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho hay.
Sản phẩm của Tomohen Fire Việt Nam chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. (Ảnh: Thu Hường) |
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tomohen Fire Việt Nam (Nhật Bản) cho biết, là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến chữa cháy như: Vòi, van, bình chữa cháy chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu, tuy nhiên doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chính sách thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện, nguyên liệu cho sản xuất. Cụ thể, thuế suất nguyên liệu thép nhập khẩu lên đến 32% - đây là nguyên liệu chính để doanh nghiệp sản xuất bình chữa cháy, trong khi chính sách thuế nhập khẩu sản phẩm bình chữa cháy là 0%.
"Điều này rất bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khiến cho sản phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu cũng như thị trường quốc tế" - đại diện Tomohen Fire Việt Nam nêu.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp hội viên trình bày các khó khăn phát sinh từ thực tế sản xuất kinh doanh và các đề xuất, kiến nghị để Ban chuyên môn Hiệp hội cùng trao đổi, giải đáp, thảo luận, liên quan đến chính sách thuế; thủ tục xuất - nhập khẩu, tiếp cận các thị trường trong nước và xuất khẩu; các quy chuẩn, tiêu chuẩn; kiểm định… đối với thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp; chống hàng giả, hàng kém chất lượng…
"Đây là cơ sở, căn cứ để Hiệp hội tổng hợp và có báo cáo đề xuất lên cơ quan quản lý nhằm có giải pháp tháo gỡ, khó khăn cho doanh nghiệp' - ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương cho hay.
Hội thảo là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội năm 2024, hội thảo lần này là sự tiếp nối của 03 hội thảo – Tập huấn hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới ban hành đã tổ chức rất thành công tại TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023. |