Thanh tra Chính phủ vào cuộc giải quyết 5 vụ tranh chấp đất đai "nảy lửa” ở Gia Lai
Để giải quyết triệt để các vụ việc nóng về tình trạng khiếu nại tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành vào cuộc và yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan đơn vị chức năng rà soát, tổng hợp kết quả xem xét, đề xuất phương án xử lý.
Người dân khiếu nại yêu cầu được giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích trên 500 ha đất Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ giao trả về địa phương quản lý sau khi cổ phần hoá. |
Ngày 9/4, theo nguồn tin của Báo Công Thương, Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát lại nội dung các vụ việc, hoàn thiện báo cáo để làm việc với Đoàn thanh tra liên quan đến 5 vụ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai giữa người dân và các công ty cà phê, chè trên địa bàn.
Qua thanh tra và thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đoàn Thanh tra Chính phủ nhận thấy có một số nội dung trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và công tác xem xét, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai liên quan đến các công ty nông nghiệp tại đại phương cần được làm rõ. Đây là những vụ việc kéo dài nhiều năm, gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và hoạt động sản xuất của các công ty.
Trong số 5 vụ tranh chấp đất đai được Thanh tra Chính phủ quan tâm, có vụ 32 hộ dân xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai khiếu nại vì bị cấp trùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam). Theo các hộ dân, họ đã được UBND xã Ia Tô giao đất từ năm 1998 và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2000. Tuy nhiên, vào năm 2015, UBND tỉnh Gia Lai lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV cà phê Ia Châm trên cùng diện tích đất mà các hộ dân đã được giao. Điều này khiến cho các hộ dân bị mất quyền sử dụng đất và không thể tiếp tục canh tác.
Một vụ tranh chấp khác liên quan đến Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai, một số hộ dân xã Ia Pal và Thôn Mỹ Thạnh 1, thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê) cản trở việc sử dụng đất của Công ty và yêu cầu giải quyết quyền lợi về tài sản trên đất theo hợp đồng khoán. Các hộ dân cho rằng việc công ty yêu cầu các hộ dân giao lại diện tích đất để phía công ty thực hiện kế hoạch liên kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng là vi phạm hợp đồng khoán và yêu cầu công ty bồi thường cho các hộ nhận khoản đã bỏ ra để trồng cà phê.
Tranh chấp đất đai giữa người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai với các Công ty cà phê thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam diễn ra căng thẳng. |
Một vụ tranh chấp tương tự xảy ra giữa một số hộ dân xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh và Công ty TNHH MTV Chè Biển Hồ. Qua tìm hiểu, các hộ dân đã nhận khoán của công ty từ năm 2000 và được giao sử dụng diện tích đất từ 1-3 ha để trồng chè. Tuy nhiên, vào năm 2017, công ty giao trả lại diện tích đất trên 500 ha cho UBND xã Nghĩa Hưng quản lý sau khi tiến hành cổ phần hoá. Các hộ dân yêu cầu được UBND xã Nghĩa Hưng giao đất không thu tiền sử dụng đất để tiếp tục canh tác.
Một vụ tranh chấp khác liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là vụ 14 hộ dân không chấp nhận đền bù khi UBND huyện Chư Sê thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Khu dân cư xã Dun và xã Ia Pal (tổng diện tích đất của dự án 23,4 ha). Các hộ dân yêu cầu được bồi thường hoàn trả lại giá trị các hộ đã đầu tư vào vườn cây cà phê và được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm do bị thu hồi đất.
Cuối cùng, vụ tranh chấp liên quan đến việc Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai triển khai kế hoạch liên kết trồng chuối xuất khẩu là vụ 7 hộ dân khiếu nại, lôi kéo theo một số hộ khác tại thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê chưa thống nhất mức hỗ trợ, không giao trả diện tích đất, vườn cây với 8,17 ha khi công ty triển khai thực hiện kế hoạch liên kết đầu tư trồng 150 ha chuối xuất khẩu tại Thôn Phú Cường, xã Ia Pal và 16 ha tại Thôn Mỹ Thạch, thị trấn Chư Sê.
Để giải quyết triệt để những vụ việc này, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan đơn vị chức năng rà soát lại nội dung vụ việc, tổng hợp kết quả xem xét, giải quyết, hoàn thiện báo cáo, đề xuất phương án xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc (kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan) để làm việc với đoàn thanh tra.
Đây là một bước quan trọng để khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, phân bổ và bảo vệ quyền sử dụng đất đai của người dân và các tổ chức kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người dân và các công ty có thể đối thoại, hòa giải và tìm ra những giải pháp hợp lý, hợp pháp và hợp tình cho những vấn đề nan giải liên quan đến đất đai.