Thanh toán QR Code tăng trưởng 151%
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm 2023. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ; những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR Code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless),… được áp dụng rộng rãi.
Chi phí đầu tư dưới 1.000 đồng, thanh toán QR Code tăng trưởng 151% |
Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị.
Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 64,26% về số lượng và 7,65% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR Code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%. Thanh toán qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị.
Đáng chú ý, việc thanh toán qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị. Điều này phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng nhanh ở Việt Nam.
Lý giải về việc những mã QR ngày càng phổ biến, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là chi phí đầu tư thấp, chỉ cần một tờ giấy in với mức phí chưa tới 1.000 đồng, không cần tới máy tính, một quầy thu ngân hay máy POS. Thanh toán qua mã QR hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất, với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay, và dự báo tỷ lệ này còn có thể tiếp tục tăng trong nhiều năm tới.
Chia sẻ về định hướng hoạt động chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết: “Chúng ta chứng kiến người dùng có thể quẹt QR Code một cách rất thuận lợi tại bất kì cửa hàng nào. Để làm được câu chuyện này, hàng chục nghìn cửa hàng, hàng triệu người dân và các ngân hàng đang sử dụng chung hạ tầng với các tiêu chuẩn chung. Việc cần làm lúc này là duy trì hạ tầng để đáp ứng hàng chục triệu giao dịch trong một ngày. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng khuôn khổ pháp lí để đáp ứng kịp thời với sự phát triển cũng như nhu cầu thực tiễn của thị trường”.