Cổng thông tin điện tử về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam chính thức hoạt động |
Ngày 6/7/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kí ban hành Quyết định số 1718/QĐ-BCT phê duyệt Đề án tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển FTAP giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 17 FTA |
Theo Đề án tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển FTAP kèm theo Quyết định số 1718/QĐ-BCT ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, FTAP được thiết kế và xây dựng với một số tính năng, nội dung chính bao gồm: Tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với các đối tác để hưởng ưu đãi; số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất - nhập khẩu, cấp phép; cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý; cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA do cơ quan quản lý ban hành; cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền như các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp.
Các dữ liệu, thông tin trên được hiển thị dưới dạng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh).
FTAP lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm để thực hiện các mục tiêu chính sau: nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các FTA của Việt Nam, từ đó đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong hệ thống thương mại toàn cầu; hiện thực hóa và tận dụng tối đa lợi ích của các FTA; đảm bảo hiệu suất và hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích của cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp và người dân về các cam kết của Việt Nam trong các FTA.
Theo đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ, Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Trước mắt, trong giai đoạn 2021 sẽ tập trung hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật tồn tại để chính thức nhận chuyển giao FTAP từ Ngân hàng Thế giới; Triển khai việc kết nối với các trang thông tin liên quan đến các Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng. Đồng thời tập trung hoàn thiện, nâng cấp và xử lý các vấn đề tồn tại về mặt hệ thống của FTAP; Nâng cấp khả năng bảo mật và an ninh hệ thống; tiếp tục cập nhật các bài viết, thông tin chính sách, số liệu, các khóa đào tạo, tập huấn… liên quan đến các FTA của Việt Nam.
Sau khi nhận bàn giao FTAP, Bộ Công Thương sẽ thành lập Tổ công tác chuyên trách để triển khai hiệu quả Đề án nhằm giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các FTA mang lại.
Trong giai đoạn 2022-2025, FTAP sẽ được tập trung phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu trong các FTA còn lại mà Việt Nam là thành viên, đặt mục tiêu các doanh nghiệp và người dân có thể truy cập và tìm kiếm thông tin cho tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.
Về lộ trình thực hiện, các FTA thế hệ mới và các FTA đa phương mà Việt Nam là thành viên ( bao gồm các FTA giữa ASEAN và các đối tác) sẽ được triển khai trước, sau đó là các FTA song phương mà Việt Nam là thành viên.
FTAP cũng sẽ được nâng cấp cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành khác thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp Bộ (LGSP); Tích hợp khả năng gọi và kết nối dữ liệu (API) từ trong nước và quốc tế; Bên cạnh đó, phân tích, xây dựng và đăng tải bộ dữ liệu liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để có tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân có sự so sánh, đánh giá giữa các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia,…
Đến giai đoạn sau 2025, FTAP sẽ tiếp tục được nâng cấp và phát triển các tính năng mới của FTAP để nâng cao chất lượng trải nghiệm của người dùng; Tiếp tục cập nhật các bài viết, thông tin, chính sách, số liệu, các khóa đào tạo, tập huấn…liên quan đến các FTA của Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – cho biết: kể từ khai trương Cổng trực tuyến về FTA đến nay, chúng tôi cũng đã nhận được hàng ngàn câu hỏi của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, và đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có một số sự kiện tổ chức trực tuyến để mọi người có thể tham gia, đặt câu hỏi. Những hoạt động này cũng có hàng nghìn các đối tượng tham gia. Đây là tín hiệu rất tích cực, bởi vì trong bối cảnh đại dịch chúng ta không thể tổ chức trực tiếp những hội nghị lớn được.