Cổng thông tin điện tử về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam chính thức hoạt động
Tin hoạt động 23/12/2020 11:50
Cổng thông tin điện tử về Hiệp định thương mại tự do đầu tiên
FTAP (fta.moit.gov.vn) là cổng thông tin điện tử về hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên của Việt Nam, cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, trước mắt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); tập trung vào cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin khác như tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie ấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam |
Công cụ tra cứu được thiết kế cho FTAP cho phép bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào quan tâm đến các cam kết FTA có thể ngồi một chỗ tiếp cận và hướng dẫn trực tuyến chi tiết, rõ ràng, đơn giản nhất có thể thay vì phải tìm tòi hoặc liên hệ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau để có được thông tin. Qua đó, sẽ giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí, giúp cho các doanh nghiệp tận dụng được một cách hiệu quả nhất các cơ hội mang về từ các FTA mà Việt Nam đang tham gia.
Theo đó, FTAP được thiết kế và xây dựng với các tính năng, nội dung, như: Tra cứu trực tuyến các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư theo các FTA với cá đối tác để hưởng ưu đãi; số liệu, đặc điểm thị trường có FTA với Việt Nam, các thủ tục cần thực hiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, cấp phép; cập nhật kế hoạch hành động, thực thi các FTA của Việt Nam từ phía các cơ quan quản lý; cập nhật văn bản pháp luật thực hiện các FTA do cơ quan quản lý ban hành; cập nhật các hoạt động phổ biến, tuyên truyền như hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, ấn phẩm hỗ trợ doanh nghiệp; các dữ liệu, thông tin được hiện thị dưới dạng song ngữ (tiếng Việt – tiếng Anh).
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trải nghiệm về FTAP |
Ngoài ra, FTAP thường xuyên cập nhật thông tin về thương mại, các sự kiện, chính sách, số liệu thống kê hỗ trợ tìm kiếm cho doanh nghiệp; cung cấp một loạt các dịch vụ trợ giúp và hỗ trợ như tìm hiểu về các FTA, các xác định mã HS và cách sử dụng các FTA; các liên kết tích hợp để người dùng dễ dàng phản hồi trực tiếp với Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương cùng với các biểu mẫu để đưa ra câu hỏi cho bộ phận; tra cứu trực tuyến biểu thuế quốc gia của Việt Nam và các nước đối tác, tìm hiểu thông tin về thuế suất ưu đãi, số liệu thống kê xuất nhập khẩu, yêu cầu của quốc gia để kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ và đầu tư cự thể theo từng FTA. Ngoài ra, FTAP cũng cung cấp một công cụ phần mềm tương tác để hỗ trợ các doanh nghiệp xác định xem sản phẩm của họ có đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một Hiệp định cụ thể hay không.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudia trải nghiệm về FTAP |
FTAP - người bạn đồng hành của doanh nghiệp và người dân
Kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Thế giới trở nên đa cực hơn, chủ nghĩa dân tộc trở nên mạnh mẽ và có lúc cực đoan hơn và trong thương mại quốc tế, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam thuộc nhóm nước vẫn kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà kết quả rõ rệt nhất là việc gia nhập, ký kết 14 FTA, trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - nêu rõ, cơ hội đem lại từ các FTA mà Việt Nam tham gia là rất tích cực, nhưng qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng doanh nghiệp biết rõ về các nội dung cam kết FTA còn tương đối hạn chế. Bên cạnh sự chưa chủ động của một bộ phận doanh nghiệp, còn là do việc các doanh nghiệp chưa có công cụ tiếp cận chi tiết rõ ràng, thân thiện về các nội dung cam kết FTA.
Chính vì vậy, tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng một Cổng thông tin điện tử để cung cấp các thông tin, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các đối tác FTA cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại lễ khai trương ETAP |
Được sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Công Thương và WB đã phối hợp khởi động việc xây dựng FTAP từ tháng 2/2019. Sau gần 2 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng các chuyên gia của Bộ Công Thương và WB đã hoàn tất các công việc cuối cùng để khai trương FTAP đầu tiên của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, FTAP ra đời, đi vào hoạt động đã gửi đi một thông điệp quan trọng và đầy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa các FTA đến gần hơn với doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử. Đặc biệt, việc hoàn thiện FTAP còn thể hiện sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của WB và Chính phủ Australia đối với quá trình hội nhập của Việt Nam; càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh diễn biến phực tạp của quan hệ quốc tế và xu thế bảo hộ trên toàn cầu và những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
“Sự ra đời của FTAP hôm nay chỉ là khởi đầu một chặng đường mới, để FTAP trở thành người bạn đồng hành của doanh nghiệp và người dân, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức hoàn thiện trong cập nhật thông tin, đảm bảo thông tin an toàn, hoạt động ngày càng tốt hơn nữa của FTAP trong thời gian tới” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - bà Carolyn Turk |
Đánh giá cao về sự hỗ trợ của Chính phủ Australia để WB và Bộ Công Thương thực hiện xây dựng FTAP, Giám đốc WB tại Việt Nam - bà Carolyn Turk - cho rằng, sự ra đời của FTAP là mốc quan trọng của giao thương quốc tế của Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đó là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động thương mại quốc tế. Đặc biệt, đây là một phần cốt yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, hội nhập kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ tốt nhất để Việt Nam tranh thủ tận dựng các FTA, cụ thể hơn là Hiệp định CPTTP mà Việt Nam và Australia cùng tham gia.
Theo bà Carolyn Turk, các FTA trong đó có CPTPP với mức độ cam kết sâu và phức tạp về thị trường, đầu tư, lao động, mua sắm công vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức để doanh nghiệp có thể tận dụng các lợi ích. Vì vậy, việc FTAP ra đời với mục tiêu cung cấp thông tin chi tiết của các FTA, nhất là CPTPP, EVFTA sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu về thuế quan của các đối tác, theo lĩnh vực hàng hóa, hay quy định về xuất nhập khẩu, dịch vụ đầu tư, toàn văn hiệp định, các văn bản pháp lý; cung cấp cách xác định mã HS hay cách sử dụng các hiệp định là vô cùng hữu ích cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí, thời gian và quan trọng nhất là tăng tính minh bạch trong các hoạt động giao dịch. “Tuy vậy, để hoạt động hiệu quả, FTAP cần hoạt động mang tính mở, tạo nguồn thông tin động, người dùng có thể bổ sung, đóng góp ý kiến. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương cần phải duy trì, hỗ trợ cho FTAP đưa ra được một bức tranh chân thật nhất về FTA” - bà Carolyn Turk khuyến nghị.
Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie phát biểu tại Lễ khai trương |
Chia sẻ thêm về sự ra đời của FTAP, Đại sứ Australia tại Việt Nam - bà Robyn Mudie - cho hay, 2020 là một năm đầy thách thức do dịch Covid-19, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống, kinh tế xã hội của các quốc gia, rất may mắn Việt Nam - Australia đã có những thành công trong khống chế dịch bệnh. Sự chống chịu của nền kinh tế của hai nước thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu; cánh cửa hội nhập kinh tế toàn cầu không ngừng được mở rộng,.
Đặc biệt, theo bà Robyn Mudie, Việt Nam - Australia là thành viên tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu, trong đó, Australia đã tăng cường ký kết FTA song phương với các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Peru và thực hiện FTA đa phương như CPTPP, RCEP… Đặc biệt, việc Hiệp dịnh RCEP vừa hoàn tất ký kết là di sản quý báu trong năm Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN, tập hợp các đối tác kinh tế lớn của hai nước. Đây sẽ là nền tảng để hai nước thúc đẩy, củng cố hơn mối quan hệ chiến lược hợp tác kinh tế song phương, là đối tác thương mại hàng đầu trong thương mại quốc tế.
Đề cập đến xây dựng cổng thông tin về FTA, bà Robyn Mudie nhấn mạnh, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, Australia cũng đã sớm xây dựng Cổng thông tin FTA và không ngừng mở rộng các thị trường có FTA, trung bình có 2.000 lượt truy cập/tuần. “Cổng thông tin FTA của Việt Nam sẽ mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các FTA; tối đa hóa các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có FTA với Australia. FTAP hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ của hai nước; giúp doanh nghiệp, nền kinh tế hai bên phục hồi, phát triển hơn trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19” - bà Robyn Mudie kỳ vọng.