Thanh Hóa: Nhiều lò đốt rác cả chục tỷ vận hành kém hiệu quả gây lãng phí ngân sách Nhà nước
Nhiều lò đốt rác trên địa bàn các huyện Như Xuân, Hậu Lộc, Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa được đầu tư cả chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, vận hành được một thời gian ngắn, do thiếu nguồn kinh phí, hoạt động kém hiệu quả rồi đóng cửa, bỏ hoang.
Được đầu tư với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, dự án xử lý rác thải sinh hoạt do UBND huyện Như Xuân làm chủ đầu tư, công suất xử lý 7-9 tấn rác/ngày. Dự án kỳ vọng khi đi vào hoạt động, công trình sẽ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân xã Xuân Bình, Bãi Trành và các vùng phụ cận của huyện Như Xuân.
Khu xử lý rác thải xã Xuân Bình, huyện Như Xuân chỉ xử lý được vài xe rác, rồi bỏ hoang, khiến công trình xuống cấp. |
Dự án được khởi công tháng 5/2018, đưa vào vận hành tháng 4/2019, sau đó UBND huyện Như Xuân bàn giao cho UBND xã Xuân Bình vận hành, khai thác. Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án xử lý rác thải tại huyện Như Xuân đã bộc lộ nhiều bất cập, ì ạch rồi bỏ hoang, gây lãng phí tiền ngân sách Nhà nước, tài nguyên đất đai. Trong khi đó, việc chi thường xuyên của huyện miền núi này vẫn đang phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Theo quan sát của phóng viên, công trình xử lý rác thải của huyện Như Xuân gồm: nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể xử lý rác thải, bể nước, hố chôn lấp rác thải tạm thời, san nền, cổng tường rào, sân bê tông, rãnh thoát nước… Thế nhưng, do để lâu không vận hành, các hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về dự án rác thải kém hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Nguyễn Hữu Tuất cho hay: “Do số lượng hộ dân đăng ký tham gia xử lý rác thải thấp, dẫn đến đơn vị xử lý rác thải không đủ kinh phí để vận hành. Huyện đã mời nhà đầu tư mới để thay thế vận hành dự án rác thải này, hiện vẫn đang trong quá trình khảo sát, họ chưa trả lời”.
Cũng theo lý giải của ông Tuất, do mật độ dân cư thưa thớt, thói quen lâu nay của người dân vẫn tự gom rác thải tại nhà để đốt. Nên đa phần người dân không đóng góp kinh phí, khiến dự án rác thải không có kinh phí hoạt động nên phải đóng cửa.
Lò đốt rác thải sinh hoạt được UBND xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc đầu tư khoảng 5,2 tỷ đồng bị bỏ hoang |
Còn tại huyện Hậu Lộc, năm 2018, UBND xã Hoà Lộc đã cho xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt trên diện tích hơn 3.000m2 đất nông nghiệp, với tổng mức đầu tư khoảng 5,2 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của địa phương. Theo thiết kế, công trình lò đốt rác này này đảm bảo việc xử lý rác thải cho 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc.
Tuy nhiên, gần một năm nay lò đốt rác này đã ngừng hoạt động. Thay vì xử lý rác tại chỗ, địa phương này đã hợp đồng với một công ty môi trường đứng ra thu gom rác thải sinh hoạt của người dân chở đi nơi khác để xử lý.
Lý giải về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết: Nguyên nhân dừng hoạt động là do lò đốt xuống cấp nghiêm trọng, gần như không thể vận hành. Trong khi, theo thiết kế công suất ban đầu, lò đốt rác này sẽ xử lý 7 tấn rác/ngày đêm, nhưng hiện lượng rác của 2 xã Hòa Lộc và Xuân Lộc là hơn 10 tấn/ngày đêm.
Phương án sửa chữa, nâng cấp công suất đáp ứng như cầu hiện tại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của xã. Ngoài ra một nguyên nhân khác là do gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
“Sắp tới chúng tôi sẽ tập trung xử lý số rác còn tồn đọng ở lò đốt. Riêng về phần tài sản, sẽ có báo cáo cụ thể lên UBND huyện xin hướng giải quyết” - ông Hán cho hay.
Khá khẩm hơn hai dự án ở huyện Như Xuân và Hậu Lộc, dự án trạm xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng đến nay chưa bị bỏ hoang, nhưng đang có nguy cơ “đắp chiếu” vì quá tải và thiếu kinh phí hoạt động.
Theo đó, dự án trạm xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Kim Tân được quy hoạch xây dựng tại thôn Đự, xã Thành Thọ với quy mô 2 lò đốt xử lý rác thải, công suất 10 - 15 tấn/2 lò đốt/ngày, đêm bằng công nghệ đốt nhiệt Nfi-05.
Dự án đưa vào sử dụng năm 2014 được kỳ vọng sẽ xử lý hết lượng rác thải sinh hoạt của người dân trong huyện Thạch Thành. Thế nhưng, sau một thời gian hoạt động, trạm xử lý rác này đã bộc lộ nhiều bất cập vì quá tải, hoạt động chưa hiệu quả, có nguy cơ đóng cửa.
Tránh để tình trạng dùng tiền ngân sách Nhà nước đầu tư tràn lan, không hiệu quả, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Trần Văn Sơn lý giải: “Dự án trạm xử lý rác thải thiết kế ban đầu với 2 lò đốt rác có tổng công suất xử lý khoảng 10 - 15 tấn/ngày, đêm nhưng thực tế, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt thu gom tại thị trấn Kim Tân và các vùng phụ cận của huyện Thạch Thành đưa về xử lý lên tới 25 - 30 tấn. Tình trạng quá tải đã khiến trạm xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Huyện đang kêu gọi nhà đầu tư để nâng cống suất, phục vụ nhu cầu xử lý rác cho người dân trên địa bàn”
Được biết, ngày 8/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1592/QĐ-UBND phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 31 khu xử lý chất thải rắn, gồm 3 khu xử lý liên huyện và 28 khu xử lý tại các huyện.
Thiết nghĩ, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cần thiết và nên làm sớm. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các dự án xử lý rác thải cần huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa, chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm. Tránh để tình trạng dùng tiền ngân sách Nhà nước đầu tư tràn lan, không hiệu quả, gây thất thoát ngân sách Nhà nước như những dự án rác thải tại các huyện Như Xuân và Hậu Lộc.