Thăng trầm nghề nuôi ong du mục
Mỗi năm, từ khoảng tháng 4 đến tháng 9, dưới tán rừng keo ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn… không khó để bắt gặp những người dân du mục đang dựng lán trại để “dụ” ong, nuôi ong để lấy mật. Hàng trăm thùng gỗ nuôi ong được người dân xếp đều tăm tắp tạo ra những hình ảnh khá ấn tượng. Theo họ thì đây là nghề 'một vốn bốn lời' mang lại thu nhập ổn định cho những người du mục.
300 thùng nuôi ong được xếp ngay ngắn dưới cánh rừng keo ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) |
Chủ lán trại nuôi ong di cư này này đều là những cư dân ở các tỉnh phía Nam ngược ra. Nghề nuôi ong du mục từ bao đời đã là nghề chính của họ. Theo những mùa hoa nở, họ mải miết dẫn ong đi từ cánh rừng này qua cánh rừng khác để “ăn hoa”.
Ông Giang (46 tuổi) có nhiều năm trong nghề kể, cách đây hơn 9 năm, ông bắt đầu nghề nuôi ong tại một nông trường cao su ở Ia Krai, huyện Ia Grai. Theo ông, cuộc sống của người làm nghề nuôi ong không khác gì "những kẻ du mục". "Cứ dăm ba tháng, tôi hay những người nuôi ong lại phải 'dời nhà' một lần. Hoa ở đâu thì chúng tôi phải mang ong đến ở chỗ đấy để ong dễ dàng lấy mật", ông nói. Lán, nơi chủ trại ở, được dựng lên sát các thùng nuôi.
Mỗi lần kiểm tra thùng ong, chị Tuyết phải hun khói để không bị ong đốt |
Tại một cánh rừng keo ở xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tuyết (quê ở tỉnh Đồng Nai). Chị Tuyết năm nay chỉ mới 50 tuổi, nhưng đã có hơn 30 năm kinh nghiêm nuôi ong di cư. “Hơn nửa cuộc đời tôi là gắn với cái nghề này. Nhiều lúc cũng thấy tủi”, chị Tuyết nói. Làm nghề nuôi ong di cư, chị Tuyết phải sống một cuộc sống tạm bợ trong những túp lều xiêu vẹo dựng dưới cánh rừng.
Chị Tuyết kể, mùa nào hoa nấy, nên một năm chị phải di chuyển đàn ong ít nhất 3 lần. Ít ngày tới, khi rừng keo không còn những lá non để đàn ong hút mật, chị Tuyết lại phải thuê xe tải bốc 300 thùng nuôi ong di chuyển vào Bình Phước, để tiếp tục nuôi dưới tán rừng cao su. Sau khi hết mùa cao su, chị lại vận chuyển ra Bắc, tới các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Giang… để tận dụng mùa vải đơm hoa. Vì thế, cứ mỗi nơi lâu nhất chị cũng gắn bó chưa đầy nửa năm.
Mật ong của bầy nuôi trong rừng thường có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị ngọt dịu |
Mùa có hoa nở rộ khoảng 12 ngày sẽ quay mật một lần. Với 300 thùng nuôi ong của chị Tuyết, mỗi lần quay như thế được hơn 700 lít mật. Đại diện công ty sẽ đến tận nơi thu mua sỉ với giá hơn 20.000 một lít, còn bán lẻ cho người dân sẽ có mức giá hơn 50.000 một lít.
Cách lán chị Tuyết không xa là khu vực nuôi ong của anh Phạm Quang Phố (29 tuổi, TP. Phan Thiết, Bình Thuận). Anh Phố nói rằng, cả thanh xuân của anh là những chuỗi ngày đi theo đàn ong, sống cô độc giữa rừng. Vợ con ở quê, anh Phố phải một mình đưa ong đi khắp cả nước. Mỗi năm, số ngày anh về quê sống bên cạnh gia đình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Túp lều tạm bợ giữa rừng của những người nuôi ong du mục |
“Nghề này cũng không hẳn cơ cực lắm, chỉ có đến ngày quay mật, ngày vận chuyển đi nơi khác mới vất vả, còn lại cũng khá nhàn. Tuy nhiên, sống cuộc sống này rất buồn, chỉ biết bầu bạn với đàn ong”, Phố nói và cho hay, vài năm về trước, giá mật ong vẫn còn cao, với gần 70.000 đồng một lít. Hiện nay, công ty tới tận nơi thua mua, nhưng giá chỉ còn hơn 20.000 đồng một lít. Giống ong nuôi có nguồn gốc từ Italy. Chu kỳ lấy mật phụ thuộc theo thời tiết, thường kéo dài 10 - 15 ngày. Sau khi ong lấy mật về luyện chín (đủ để thu hoạch, mật không non) và sáp phủ kín khoảng 2/3 cầu (khay), người nuôi xông khói để đuổi ong đi và lấy cầu ong ra khoảng thùng.
Anh Phạm Quang Phố từ Bình Thuận ra một mình nuôi 300 thùng ong dưới rừng keo ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương |
Khó khăn nhất của nghề này là người dân không hiểu rõ ong là loài có lợi cho quá trình thụ phấn. Ở nhiều tỉnh khác, anh Phố chứng kiến người dân địa phương đến đập phá các trại ong vì cho rằng ong phá lúa, hoa màu. Không những thế, thấy người lạ đến một mình nuôi ong, nhiều kẻ thường đến dọa dẫm, xin tiền. “Tuy nhiên, đó là những vụ việc không hay ở các tỉnh khác. Còn nhiều tháng nay tôi nuôi ở Nghệ An nhưng bà con ở đây rất tốt…”, anh Phố nói.
Theo những người nuôi ong, thì nghề nuôi ong du mục là nghề cho ong ăn theo từng mùa hoa. Vậy nên, những người nuôi ong đã thuộc nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, những mùa hoa nở, những vùng đất nào có thể đến… đến khi trời chuyển rét; tháng 11, 12, ong được đưa về nghỉ ngơi, chờ mùa xuân tới. Ra tết, cuộc sống du mục lại bắt đầu…