Thứ tư 04/12/2024 15:52

Tham vấn Cẩm nang công nghệ tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp

Sáng 19/3 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm tham vấn về công nghệ tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam.

Tọa đàm với chủ đề "Tham vấn về dự thảo Cẩm nang Công nghệ tiết kiệm năng lượng cho lò hơi trong ngành công nghiệp Việt Nam và hướng dẫn công nghệ tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sấy và hệ thống nhiệt trong ngành chế biến gỗ" diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các chuyên gia, đại biểu tham gia tọa đàm

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức.

Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Công Thương, Cục Năng lượng Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch, các Sở Công Thương, các công ty kiểm toán năng lượng và dịch vụ năng lượng, doanh nghiệp công nghiệp trong ngành chế biến gỗ và một số ngành công nghiệp liên quan, các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng đến từ Đan Mạch và Việt Nam.

Tọa đàm giới thiệu các nội dung dự thảo của Cẩm nang công nghệ tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho lò hơi và hướng dẫn công nghệ tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sấy và hệ thống nhiệt trong ngành chế biến gỗ.

Tài liệu do các chuyên gia Đan Mạch xây dựng từ những kinh nghiệm và công nghệ tốt nhất hiện nay trên thế giới, kết hợp điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp được Chính phủ Việt Nam ưu tiên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 – 2030. Một trong các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình VNEEP3 là rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm nghiên cứu xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành và phổ biến từ 15 - 20 hướng dẫn kỹ thuật cho các ngành, phân ngành kinh tế.

Ông Trịnh Quốc Vũ phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương cho biết: “Một trong các hoạt động trọng tâm của Hợp phần 3 thuộc Chương trình DEPP3 là xây dựng Cẩm nang Công nghệ TKNL trong các ngành công nghiệp Việt Nam và các hướng dẫn kỹ thuật về các giải pháp TKNL trong một số ngành, phân ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, nhằm thúc đẩy ứng dụng các công nghệ và giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp công nghiệp. Việc xây dựng và hoàn thành các tài liệu này sẽ đóng góp vào mục tiêu của Chương trình VNEEP3”.

Tại tọa đàm, các đại biểu được giới thiệu và lấy ý kiến tham vấn cho dự thảo của Cẩm nang công nghệ TKNL cho lò hơi và hướng dẫn công nghệ tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sấy và hệ thống nhiệt trong ngành chế biến gỗ. Lò hơi là công nghệ đầu tiên được chọn trong cuốn Cẩm nang Công nghệ Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam, tập trung vào các giải pháp công nghệ tốt nhất hiện nay dựa trên các kinh nghiệm của quốc tế nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng của các hệ thống lò hơi công nghiệp.

Bên cạnh đó, dự thảo Hướng dẫn công nghệ tiết kiệm năng lượng cho hệ thống sấy và hệ thống nhiệt trong ngành chế biến gỗ cung cấp các thông tin, hướng dẫn thực tế về các giải pháp công nghệ và kỹ thuật để tối ưu hóa sử dụng năng lượng cho các hệ thống này. Một số nội dung đáng chú ý gồm: quy trình phân tích, tối ưu hóa hệ thống sấy và cung cấp nhiệt, các loại dữ liệu cần thu thập/đánh giá, giải pháp, cách thức trình bày đề xuất đầu tư một cách có hệ thống... Một phần nội dung khác được giới thiệu tại tọa đàm là công nghệ bơm nhiệt (heat pump) sử dụng trong sấy gỗ công nghiệp.

Công nghệ bơm nhiệt đã được ứng dụng trong các quy trình sấy công nghiệp tại một số nhà máy tại Việt Nam và đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng tích cực. Theo các chuyên gia, công nghệ này có tiềm năng ứng dụng đa dạng trong các ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau tọa đàm, các chuyên gia sẽ chỉnh sửa các dự thảo dựa trên ý kiến đóng góp của các đại biểu và sớm ra mắt các sản phẩm hoàn thiện vào giữa năm 2024.

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEPP3) là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 60,29 triệu Krone Đan Mạch, tương đương 8,96 triệu USD. Chương trình DEPP3 được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng của Đan Mạch với 04 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Nam Phi và Mêhicô nhằm hỗ trợ các quốc gia này thực hiện cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.
Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Tiết kiệm năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm, hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp

Bỏ quy định về điều chuyển công trình điện vốn nhà nước sang EVN quản lý

Thủy điện Sông Bung 4: vượt mốc sản xuất điện năm 2024 – về đích trước thời hạn 30 ngày

Quy định mới về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

Luật sư Bùi Văn Thành: Luật Điện lực (sửa đổi) - dấu mốc trong hành trình hiện đại hóa ngành điện

Các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được thể chế hóa đầy đủ trong Luật Điện lực (sửa đổi)

Hội nghị tập huấn trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ chủ chốt Công đoàn TKV

Luật Điện lực (sửa đổi): Giải quyết bất cập trong giao dịch mua bán điện

EVNCPC: đóng điện dự án trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp Phong Điền

Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi): Nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ

TKV cung cấp 36,33 triệu tấn than cho sản xuất điện trong 11 tháng

Nhìn lại gần 1 năm sửa đổi Luật Điện lực - hành trình thần tốc nhưng kỹ lưỡng để đột phá năng lượng cho kỷ nguyên vươn mình

Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện năm 2024 cho nhà máy thuỷ điện

404 thí sinh thi tìm hiểu pháp luật về đấu thầu và đầu tư xây dựng của EVNCPC

TP. Hồ Chí Minh tăng tốc hoàn thành các dự án xây dựng lưới điện

Cần hiểu đúng: Kết nối dữ liệu đầu mối chưa hoá giải được số liệu ảo trên thị trường xăng dầu

Sửa chữa lớn, nâng cao hiệu suất vận hành tại các nhà máy điện EVNGENCO2

Tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận: Chuyên gia năng lượng nguyên tử khuyến nghị gì?

Phú Thọ và ngành điện tìm giải pháp gỡ vướng các dự án lưới điện truyền tải

Điện lực miền Nam đóng điện thành công Trạm biến áp 110kV Sân bay Long Thành và đường dây đấu nối