Thảm hoạ bóng đá ở Indonesia: Vì sao cuộc ẩu đả khiến 174 người chết? |
Cảnh sát Indonesia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc quản lý đám đông trong thảm họa sân vận động Kanjuruhan tối ngày 01/10, nơi ít nhất làm 174 người thiệt mạng và 320 người bị thương khi hàng loạt khán giả bỏ chạy và giẫm đạp lên nhau.
Cảnh sát đã bắn hơi cay để đối phó với làn sóng người hâm mộ tràn vào sân tại sân vận động quá đông ở Malang, Regency, Đông Java vào tối 1/10, tạo ra sự hoảng loạn cho những người ủng hộ. Các nhân chứng cho biết hơi cay không chỉ được bắn vào người hâm mộ trên sân, mà còn ở những đám đông vẫn còn trên khán đài và không có cảnh báo nào được đưa ra. Những đám đông khổng lồ tranh nhau chạy thoát thân, dẫn đến thảm kịch, trong đó nhiều người bị chết ngạt hoặc bị giẫm đạp. Các quan chức cho biết 17 trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng.
Hướng dẫn an toàn về sân vận động của Liên đoàn bóng đá quốc tế (FiFa) nêu rõ rằng "khí kiểm soát đám đông" không được mang hoặc sử dụng bởi quản lý hoặc cảnh sát bên trong sân vận động. Ngày 3/10, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Zainudin Amali cho biết ông đã được Tổng thống Joko Widodo đề nghị đến thăm Malang cùng với Cảnh sát trưởng Quốc gia Listyo Sigit Prabowo để tiến hành đánh giá.
Bộ trưởng An ninh Mahfud MD đã phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 3/10 rằng nhóm công tác độc lập sẽ được thành lập để điều tra thảm họa. Các chuyên gia đã yêu cầu rằng mọi cuộc điều tra phải hoàn toàn vô tư. Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã kêu gọi Tổng thống Joko Widodo thành lập một cuộc điều tra độc lập và báo cáo công khai các kết quả phát hiện được.
Fifa cũng cần tiến hành cuộc điều tra của riêng mình và đưa ra một báo cáo công khai về những phát hiện những gì đã xảy ra. Usman Hamid - Giám đốc Điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế Indonesia, cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra, cho biết "vũ lực quá mức" đã được sử dụng.
Cảnh sát trưởng Đông Java, Nico Afinta, đã bảo vệ phản ứng của lực lượng cảnh sát tại cuộc họp báo ngày 2/10, cho biết các biện pháp khác đã được thực hiện trước khi sử dụng hơi cay nhưng người hâm mộ “bắt đầu tấn công cảnh sát, hành động vô chính phủ và đốt xe”. Một buổi cầu nguyện đã được tổ chức bên ngoài sân vận động Kanjuruhan vào tối 2/10 để tưởng nhớ các nạn nhân. Các tranh phun sơn và hình vẽ trên tường (Graffiti) trên các bức tường của sân vận động thể hiện sự tức giận sâu sắc đối với các nhà chức trách.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trước đó đã yêu cầu các nhà chức trách đánh giá lại kỹ lưỡng an ninh tại các trận đấu bóng đá và ra lệnh tạm dừng các trận đấu ở Liga 1. Các cảnh quay trên mạng xã hội từ bên trong sân vận động cho thấy những cảnh hỗn loạn, trong đó người hâm mộ kêu gào để thoát khỏi lượng lớn hơi cay, một số cố gắng đưa những khán giả bị thương khác đến nơi an toàn.
Cổ động viên của đội đối lập Persebaya Surabaya, đội đã giành chiến thắng, đã bị cấm như một biện pháp phòng ngừa bạo lực giữa hai bên. Indonesia có một vấn đề kéo dài với bạo lực bóng đá, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các đội. Tuy nhiên, những sự cố trước đó chưa xảy ra ở bất cứ nơi nào có thể gây chết người như thảm kịch ngày 1/10, một trong những thảm họa ở sân vận động thể thao tồi tệ nhất trên thế giới.
Chủ tịch FiFa, Gianni Infantino, gọi sự kiện này là “một ngày đen tối cho tất cả những người tham gia vào bóng đá và một bi kịch không thể hiểu được”. Các đội bóng trên khắp thế giới đã gửi lời chia buồn, bao gồm Manchester United, Barcelona, trong khi Real Madrid giành một phút tưởng niệm trước trận đấu ngày 2/10.
Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) Yunus Yussi cho biết cơ quan này đã liên lạc với Fifa về vụ thảm kịch và hy vọng sẽ tránh được các lệnh trừng phạt khi mà Indonesia dự kiến sẽ đăng cai FIFA U-20 World Cup 2023 từ ngày 20/5 đến 11/6 với 24 đội tham dự.