Tắt sóng 2G, nhà mạng hỗ trợ đưa người dân lên môi trường số
Tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Việt Nam đang lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030, mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.
Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn. Việc 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Đến tháng 9/2024, sẽ không còn máy 2G trên mạng viễn thông di động |
Tại Việt Nam, mạng 2G đã được áp dụng từ năm 1993, là một trong những quốc gia "đi tắt đón đầu" trong việc ứng dụng công nghệ mới giữa thời điểm mạng analog vẫn còn phổ biến. Sự thích ứng và liên tục cập nhật các công nghệ mới đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển sôi động và mạnh mẽ. |
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long, đến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ hoàn toàn tắt sóng 2G; giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G cũng sẽ hết hạn vào thời điểm đó.
Theo Quy hoạch Phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, băng tần 900/1800MHz sẽ không được tiếp tục sử dụng cho hệ thống thông tin di động 2G sau khi giấy phép sử dụng hết thời hạn.
Ngoài ra, việc tắt sóng 2G cũng phù hợp với thực tiễn khi những năm qua, cùng với sự phát triển của công nghệ số, số lượng thuê bao 2G giảm rất nhanh.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến tháng 12/2023, Việt Nam vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G. Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn nhất. Mạng VinaPhone còn 3 triệu người dùng 2G, trong số này, tỷ lệ lớn khách hàng là người già, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, gặp rào cản về thu nhập nên gặp khó khăn khi thay thế điện thoại.
Lộ trình tắt sóng 2G được Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm, lên kế hoạch chi tiết, cụ thể với mục tiêu quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi có tính chất bước ngoặt này.
Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400.000 máy. Quỹ đang thực hiện thống kê các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.
Nhà mạng hỗ trợ thuê bao 2G
Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ TT&TT cho biết, đã phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi.
Thời gian qua, các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã thực hiện nhiều chương trình khuyến khích khách hàng chuyển đổi từ máy điện thoại sử dụng 2G lên máy sử dụng sim 4G. Hiện tại, các nhà mạng lớn đã tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu thấp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho lộ trình này.
Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm mục tiêu tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Việc chuyển dịch lên 4G cũng giúp người dùng có thể truy cập internet tốc độ cao, thuận tiện sử dụng các dịch vụ trực tuyến tiện ích trong giáo dục, y tế, thanh toán, giải trí…
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, việc chuyển đổi khách hàng sử dụng mạng 2G lên 3G, 4G không phải mới diễn ra mà đã thực hiện từ 4 năm. Hiện nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên đã chuyển đổi toàn bộ thuê bao 3G lên 4G thành công, chỉ còn 2% khách hàng sử dụng 3G.
"Để chuẩn bị cho kế hoạch tắt sóng 2G, Viettel đã tiên phong phủ sóng 4G rộng khắp đến tất cả vùng nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi; đồng thời thử nghiệm phát sóng 5G ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đảm bảo người dân không bị gián đoạn liên lạc khi chính thức dừng công nghệ 2G", ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom |
Từ năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, triển khai các bài toán 2G kết hợp với triển khai 3G, 4G.
Trong 2 năm qua, nhà mạng VNPT đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về việc tắt sóng 2G tại các điểm giao dịch, điểm bán hàng lưu động, tờ rơi… và thực hiện các giải pháp, thiết bị hỗ trợ mạng 2G.
Đặc biệt, để hỗ trợ người dùng nằm trong diện bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G, nhà mạng VNPT đã giao nhân viên hỗ trợ trực tiếp và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi, nâng cấp máy 2G sang các máy 3G/4G/5G để đảm bảo liên lạc luôn được thông suốt. VNPT xây dựng kịch bản cụ thể với các lớp khách hàng như người già, người sống ở vùng sâu, vùng xa với chương trình như tặng máy, trợ giá, đi kèm gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao chuyển đổi lên 4G.
"Thực hiện theo đúng chủ trương của Bộ TT&TT, VNPT hiện đã sẵn sàng cho việc tắt sóng 2G. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để hỗ trợ người dân, khách hàng thực hiện chuyển đổi lên các thiết bị 4G, 5G một cách tối ưu, để không một người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia", đại diện VNPT thông tin.
Nhờ chính sách hỗ trợ tốt, nhiều người dân đã chuyển đổi 2G lên 4G |
Nhà mạng MobiFone cũng cho biết, hiện còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G sử dụng mạng MobiFone. Nhà mạng này đã tiến hành tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp, trong quá trình tắt sóng, đơn vị đã nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn chăm sóc, tránh việc người dùng bật máy lên mới biết không có mạng. Khi khách hàng có nhu cầu, MobiFone sẽ hỗ trợ người dùng đổi sim 2G lên 4G miễn phí.