Chủ nhật 22/12/2024 08:04

Tập trung 3 giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hoá ngành ô tô

Ngành ô tô Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi các giải pháp nhằm tăng cường nội địa hóa và nâng cao tính cạnh tranh.

Hàm lượng công nghệ trung bình và thấp

Theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Số liệu của Cục Công nghiệp - Bộ Công Thươngcho thấy, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô, công nghiệp hỗ trợ có cơ hội phát triển. Ảnh: Toyota Việt Nam

Cục Công nghiệp cũng chỉ ra, hiện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Cụ thể, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam chủ yếu sản xuất các phụ tùng với công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Những linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.

Mở cánh cửa nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô

Tóm lại, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam đang gặp phải nhiều trở ngại, từ quy mô thị trường nhỏ cho đến tỷ lệ nội địa hóa thấp. Với tình hình này, các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng và công nghệ tiên tiến hơn để tăng khả năng cạnh tranh và giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Trước tình hình này, Dự thảo chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Công Thương đã đặt ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, Dự thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm sản xuất các linh kiện quan trọng như động cơ, hộp số, bộ truyền động và thân vỏ xe. Hợp tác với các hãng ô tô lớn sẽ giúp Việt Nam sản xuất các loại phụ tùng có tiềm năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tăng cường xuất khẩu.

Ngoài ra, việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cơ bản như tạo phôi, gia công chính xác và xử lý bề mặt là giải pháp cần thiết để hỗ trợ ngành. Hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cũng được nhấn mạnh để đảm bảo nguồn lực bền vững.

Khuyến khích sản xuất các dòng xe thân thiện với môi trường như xe điện và xe hybrid, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình, cũng là một trong những ưu tiên nhằm giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp để tăng tỷ lệ nội địa hóa trong thời gian tới.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, thứ nhất cần tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa: Điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa.

Thứ ba, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm.

Tại Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, nêu rõ: Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế.

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta, năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Như vậy, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.

Dự thảo chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc…

Duy Anh
Bài viết cùng chủ đề: công nghiệp ô tô

Tin cùng chuyên mục

Hải Dương: Sản xuất công nghiệp tăng 14,8% năm 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh loạt xe đặc chủng của Bộ Công an

Chuyên gia vũ khí quốc tế nói gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Chính sách công nghiệp cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế trọng điểm

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam: Tự hào với dàn UAV, tàu quân sự, vũ khí made in Việt Nam

Vinachem thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia đảm bảo sản xuất xanh, bền vững

Sản phẩm thông tin quân sự của Việt Nam sẵn sàng kinh doanh tại Malaysia

Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng

Viettel đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh TP-150 - máy bay Việt chất lượng quốc tế

Mỹ đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Cục Công nghiệp và Toyota hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương: Hiện thực hóa các mục tiêu tại Kế hoạch hành động CBRN

Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Tập đoàn Airbus tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam

Tăng cường quản lý hoạt động hoá chất có trọng tâm, trọng điểm

Phát triển bền vững - xu hướng nổi trội của ngành dệt may trong năm 2025

Việt Nam có tài sản quý để tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp hàng không

Doanh nghiệp công nghiệp vào ‘guồng’ sản xuất, tích cực ‘đón sóng’ cuối năm